8 VẤN ĐỀ GÂY MẤT NGỦ MÃN TÍNH

8 VẤN ĐỀ GÂY MẤT NGỦ MÃN TÍNH
Bệnh Alzheimer, trầm cảm, đau khớp, ngưng thở khi ngủ có thể gây ra các rối loạn giấc ngủ, mất ngủ kéo dài.
Những sự kiện như mất việc, mất người thân đều có thể gây mất ngủ. Mất ngủ cũng có thể do uống cà phê muộn, tập thể dục quá mức, đảo lộn múi giờ, rối loạn loạn nhịp sinh học, nhưng đây là tình trạng mất ngủ cấp tính, tự khỏi sau vài đêm. Một số vấn đề sức khỏe như rối loạn lo âu, hoảng loạn, bệnh lý có thể dẫn đến mất ngủ mạn tính, nghiêm trọng hơn.
Bệnh tâm thần: Hơn một nửa trường hợp có vấn đề về tâm lý, tinh thần bị ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực và rối loạn ám ảnh có nhiều khả năng gặp vấn đề về giấc ngủ.
Vấn đề về hô hấp: Ngáy nặng hoặc ngưng thở khi ngủ làm gián đoạn nhịp thở, ngưng thở nhiều lần trong đêm dẫn đến mất ngủ, hay tỉnh giấc. Người béo phì, mắc bệnh mũi họng như amidan, lệch vách ngăn, dị ứng mũi, hen suyễn dễ gặp các vấn đề về hô hấp, dẫn đến mất ngủ.
Mất trí nhớ: Cùng với chứng mất trí nhớ, bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác có thể khiến một số người lo lắng, bồn chồn khi vào giấc.
Đau xương khớp: Đau lưng, đau cơ xơ hóa, các tình trạng viêm đều ảnh hưởng đến sức khỏe, làm gián đoạn quá trình nghỉ ngơi. Đặc trưng của các cơn đau này xuất hiện nhiều khi thay đổi thời tiết, đau nhiều vào ban đêm do nhiệt độ thay đổi khiến người bệnh trằn trọc. Mất ngủ cũng có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn, vòng luẩn quẩn kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng sống.
Vảy nến, chàm: Người mắc các bệnh này thường ngứa da nặng gây khó ngủ, mất ngủ. Người bệnh nên đi khám để bác sĩ điều trị phù hợp, kiểm soát triệu chứng ngứa.
Bệnh Parkinson: Những người mắc bệnh này có xu hướng ngủ ít và thức dậy thường xuyên hơn những người cùng độ tuổi. Bệnh Parkinson cản trở tín hiệu của não và thần kinh, gây ngưng thở khi ngủ, tiểu đêm, làm gián đoạn giai đoạn quan trọng của giấc ngủ REM. Lo lắng và trầm cảm liên quan đến bệnh Parkinson cũng có thể dẫn đến các vấn đề về giấc ngủ.
Mãn kinh: Ở tuổi trung niên, cơ thể phụ nữ dần giảm sản xuất hormone progesterone và estrogen, tạo nên các thay đổi khác nhau, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Lượng adrenaline cao khi bốc hỏa làm tăng nhiệt độ cơ thể khiến phụ nữ thức dậy nhiều lần trong đêm.
Vấn đề về tiêu hóa: Các rối loạn về đường tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích, trào ngược dạ dày thực quản cũng dẫn đến mất ngủ, khó ngủ. Các triệu chứng trào ngược, đau bụng gây khó chịu và thường nặng hơn vào buổi tối.
Để tránh mất ngủ, mỗi người nên chọn phòng ngủ không quá sáng, yên tĩnh, mát mẻ, hạn chế uống đồ uống chứa caffeine vào buổi chiều. Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo. Tập thể dục sớm hơn trong ngày và đón ánh nắng vào buổi sáng cũng góp phần giúp ngon giấc hơn
Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài