Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10:
BỆNH LÝ TÂM THẦN LIÊN QUAN ĐẾN STRESS
VÀ CHIẾN DỊCH 40 GIÂY HÀNH ĐỘNG
Theo định nghĩa của tổ chức thế giới “Sức khỏe tâm thần là là trạng thái khỏe mạnh của mỗi cá nhân để họ nhận biết được các khả năng của bản thân, có thể đương đầu với những căng thẳng thông thường trong cuộc sống, có thể học tập và làm việc một cách hiệu quả và có thể tham gia, góp phần vào các hoạt động của cộng đồng”. Theo đó sức khỏe tâm thần là một khái niệm rộng chứ không phải chỉ là không có bệnh tâm thần (mental illnesses)
Ngày nay nhận thức về sức khỏe tâm thần đã thông thoáng hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn những quan điểm sai lầm, dẫn tới thái độ sợ hãi, kỳ thị phân biệt đối xử. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều người còn định kiến khi đi khám tại bệnh viện tâm thần. Trong đó việc mất đi cơ hội điều trị sớm, giảm ghánh nặng về thời gian, kinh tế cùng những mệt mỏi mà bệnh nhân có những bệnh lý liên quan đến stress phải chịu đựng là một trong những vấn đề đáng quan tâm.
Trong bối cảnh hiện nay xu hướng tăng tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau liên quan đến stress với khoảng 15% dân số (theo nghiên cứu điều tra của Bộ Y tế năm 2017), gấp 3 lần so với năm 2010. Nhiều bệnh nhân đến Bệnh viện rất muộn do đa phần không nhận biết được mình bị bệnh gì, hoặc đều nghĩ bệnh tâm thần phải là "hâm hâm dở dở", và bệnh thật ra ẩn dưới nhiều biểu hiện khác nhau, thậm chí trước khi được điều trị đúng bệnh, họ được “nhận diện” các bệnh lý hoàn toàn khác như: tim mạch, hô hấp... Trong khi đó, rối loạn tình dục, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống đều liên quan đến tâm thần.
Bệnh nhân có stress kéo dài thường có dấu hiệu lo âu. Lo âu khác lo lắng, nếu như lo lắng thường đến trong một thời gian nhất định gắn với những yếu tố kích thích thì lo âu là sự lo lắng, căng thẳng không phụ thuộc vào yếu tố kích thích, thường kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng, triệu chứng giống hệt lo lắng. Vì thế, người bệnh hay đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Tình trạng này gặp ở cả nam và nữ. Triệu chứng lo âu thậm chí chủ yếu lại được chẩn đoán là triệu chứng thần kinh thực vật với biểu hiện: khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, trống ngực, đầu chếnh choáng…; đã có nhiều người được chẩn đoán nhầm là: rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… Nhưng sau nhiều đợt dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm.
Một hậu quả đáng lo lắng của nhiều người khi gặp các rối loạn liên quan stress là thường tìm đến game, rượu bia, ma túy, cờ bạc..., dẫn đến rất khó điều trị. Đây là phương thức tự tìm cách giải quyết những khó chịu, buồn phiền. Đầu tiên dùng ít để giải khuây, sau dùng nhiều gây nghiện. Khi vào viện, phải cùng lúc vừa điều trị tâm thần vừa điều trị nghiện chất.
Và hậu quả nghiêm trọng nhất là người bệnh suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết. Số lượng người tự tử ngày càng tăng theo đà phát triển của kinh tế xã hội. Theo ước tính cứ 40 giây trôi qua lại có 1 người chết vì tự tử. Nói khác đi, sau 40 giây loài người sẽ phải chia tay một đồng loại, có thể do họ không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống hoặc đã trải qua nỗi đau tinh thần sâu sắc. Liệu chúng ta có thể dùng 40 giây của cuộc đời mình để tác động đến một người khác và cứu lấy mạng sống cho họ? Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó với sự chung tay góp sức của cộng đồng và xã hội. Chính vì vậy ngày sức khỏe tâm thần năm nay (10/10/2019), Tổ chức Y tế thế giới đã kêu gọi phòng chống tự tử với chiến dịch 40 giây hành động
Những nguyên nhân gây ra hiện tượng stress có thể rất khác nhau, nhưng phản ứng của cơ thể đối với chúng thì đều giống nhau. Vì vậy nếu có những yếu tố gây nên tình trạng áp lực, căng thẳng, hoặc tác động mạnh đến cảm xúc làm cho một người vốn khỏe nhưng sau này bắt đầu xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) mà không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên gây triệu chứng và bệnh thường dao động theo trạng thái tinh thần, thì việc đi khám sức khỏe tâm thần là cần thiết.