Phù hợp thực tiễn
Là người bệnh bị huyết áp cao phải sử dụng thuốc hàng ngày và nằm trong danh sách theo dõi y tế cơ sở nhưng hàng tháng, bà Nguyễn Thị Thìn (72 tuổi, ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) phải lên bệnh viện đa khoa tuyến huyện để lấy thuốc BHYT vì trạm y tế tại địa phương không có đủ loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuổi cao, đường xa nên không ít lần bà Thìn phải bỏ lấy thuốc BHYT và nhờ người thân ra hiệu thuốc mua. “Giá như trạm y tế xã được cấp đủ các loại thuốc thiết yếu cho người có bệnh mãn tính và người già. Khi đó, chúng tôi được khám bệnh, theo dõi sức khỏe, nhận thuốc ngay gần nhà mà không phải mất công lên bệnh viện tuyến trên”, bà Thìn chia sẻ.
Ông Hoàng Văn Huy (62 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) cho biết, khi nghe tin Bộ Y tế ban hành Thông tư số 37/2024/TT-BYT, ông rất vui vì khám bệnh nơi đâu cũng giống nhau, công bằng. “Người già nhiều bệnh nền như chúng tôi điều trị tuyến dưới đã là một thiệt thòi. Chúng tôi góp phần giảm áp lực cho tuyến trên thì cần được hưởng quyền lợi khác, thậm chí nên nghiên cứu áp dụng quy định ai điều trị tuyến dưới sẽ được hưởng nhiều quyền lợi bổ sung hơn để người bệnh đỡ phải lên tuyến trên, gây quá tải”, ông Hoàng Văn Huy đề xuất.
Theo các chuyên gia, tuyến y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc phòng bệnh, thăm khám, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhưng hiện nay danh mục thuốc BHYT của trạm y tế chỉ khoảng 25% khiến nhiều người bệnh phải lên tuyến trên khám bệnh thay vì đến trạm y tế gần nhà. Thực tế, không ít người bệnh được cấp 5-6 loại thuốc nhưng trạm y tế chỉ có 3-4 loại thuốc BHYT, khiến người bệnh chưa thực sự yên tâm khi khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở.
Tăng khả năng tiếp cận thuốc
Theo bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), Thông tư số 37/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 sẽ tạo thuận lợi cho người bệnh tham gia BHYT và cơ sở khám chữa bệnh.
Thông tư số 37/2024/TT-BYT cũng bổ sung các quy định mới về hướng dẫn thanh toán thuốc. Cụ thể, quỹ BHYT sẽ thanh toán phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và năng lực thực hiện dịch vụ kỹ thuật mà không phụ thuộc hạng bệnh viện. Điều này góp phần tăng cường tiếp cận thuốc cho người bệnh và cho cơ sở khám chữa bệnh. Đặc biệt, quỹ BHYT cũng thanh toán trong trường hợp sử dụng thuốc không có chỉ định hoặc có chống chỉ định đối với người bệnh được ghi trong các tài liệu quy định để cấp cứu người bệnh mà không có thuốc khác thay thế, sau khi hội chẩn.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, thông tin, nhằm tạo thuận lợi hơn cho người bệnh và cơ sở y tế, Bộ Y tế đang rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục thuốc BHYT, trong đó chú trọng việc mở rộng danh mục thuốc cho tuyến dưới, nhất là tuyến tỉnh, huyện, xã phù hợp sự phát triển năng lực chuyên môn; tăng phạm vi cấp phát thuốc đối với một số bệnh mạn tính tại y tế cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị, khám chữa bệnh và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Bộ Y tế cũng sẽ thường xuyên cập nhật những thuốc mới mà qua đánh giá, rà soát cho thấy đem lại hiệu quả về điều trị và chi phí để có thể góp phần chẩn đoán, điều trị bệnh ở tất cả các tuyến.
Mặt khác, sẽ đưa ra khỏi danh mục những thuốc có cảnh báo liên quan đến điều trị, hiệu quả điều trị không cao, thuốc có chi phí hiệu quả không còn phù hợp. Đồng thời, có những điều chỉnh liên quan về nguyên tắc, tiêu chí để điều chỉnh thuốc, bảo đảm tính khách quan, khoa học, đề cao hiệu quả điều trị nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu về cân đối quỹ BHYT.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/bo-danh-muc-thuoc-bhyt-theo-phan-hang-benh-vien-thuan-loi-cho-nguoi-benh-va-co-so-y-te-post771123.html