CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN CỘNG ĐỒNG

CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN CỘNG ĐỒNG

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) định nghĩa: “Sức khỏe là sự hoàn toàn thoải mái về thể chất, tinh thần lẫn xã hội chứ không chỉ là không có bệnh tật”. Do đó, vai trò của sức khỏe tâm thần đối với mỗi người là rất cần thiết, được coi là quyết định đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, bình an xã hội và sự phồn thịnh của đất nước.

WHO nhận định, Sức khỏe tâm thần (SKTT) có tầm quan trọng đứng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường. Trên thế giới, hiện có khoảng 400 triệu người bị một trong các rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần chiếm 20 -30% dân số, vấn đề SKTT thanh thiếu niên, nhất là bệnh trầm cảm, rối loạn tự kỷ, các rối loạn phát triển ở trẻ em ngày càng gia tăng. Theo số liệu công bố trong nước, Việt Nam có ít nhất ba triệu thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần, chỉ 20% trong số đó được chẩn đoán và điều trị thích hợp. 

Trong khi số người bị rối loạn trầm cảm trong cộng đồng lại có xu hướng ngày càng tăng ở nhiều lứa tuổi thế nhưng công tác chăm sóc và điều trị cho người mắc bệnh này lại chưa được kịp thời. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn nhân lực y, bác sỹ chuyên ngành tâm thần, cũng như thiếu cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị cho bệnh nhân nội trú, ngoại trú. Tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái, trung bình khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 20.000 người và điều trị nội trú trên 3.500 bệnh nhân mỗi năm. Tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện chỉ có 16 người, thiếu rất nhiều so với nhu cầu điều trị của người bệnh. Điều đáng lo hơn là hiện nay số người được chẩn đoán và tự nhận ra vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân chỉ chiếm gần 30%, còn lại không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần nên không được chăm sóc và điều trị kịp thời đúng bệnh.

Năm 1999, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về Sức khoẻ tâm thần, tập trung vào xây dựng "mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần dựa vào cộng đồng" và mở rộng nguồn lực về sức khỏe tâm thần vào năm 2025. Mục tiêu chung của Chương trình: Xây dựng mạng lưới, triển khai mô hình lồng ghép nội dung chăm sóc sức khoẻ tâm thần với các nội dung chăm sóc sức khoẻ khác của trạm y tế xã, phường; Phát hiện, quản lý và điều trị người bệnh kịp thời để họ sớm trở về sống hòa nhập với cộng đồng.

Thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng, những năm qua, ngành Y tế tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ tại 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 173/173 xã, phường duy trì triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần phân liệt, động kinh. Nhờ đó, những người bị tâm thần phân liệt, động kinh,đã được quản lý tại cộng đồng và giảm sự kỳ thị. Điều này góp phần trong việc hạn chế nỗi đau khổ và vất vả cho cả bệnh nhân và gia đình họ.

Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng đã được bệnh viện đặc biệt quan tâm triển khai đồng bộ các hoạt động: Trong 7 tháng năm 2023, trên địa bàn tỉnh phát hiện mới 15 bệnh nhân, trong đó 09 bệnh nhân động kinh và 06 bệnh nhân tâm thần phân liệt. Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 1.096 bệnh nhân, trong đó có 520 người bệnh tâm thần phân liệt; 575 người bệnh động kinh. Điều trị ổn định, chống tái phát cho 1.025 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh đã được phát hiện và quản lý, đạt 89%. Quản lý 2 bệnh nhân rối loạn trầm cảm. Thực hiện cung ứng đủ thuốc cho các bệnh nhân điều trị.

Trong  2 quý đầu năm 2023 thực hiện kiểm tra giám sát hỗ trợ cho 5 trung tâm y tế huyện thị, 54 xã phường thị trấn và khám kiểm tra sức khỏe cho 356 bệnh nhân tâm thần và động kinh đang quản lý và điều trị tại cơ sở.

Đã tổ chức được 3 lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng quản lý, phát hiện, điều trị, phục hồi chức năng một số rối loạn tâm thần thường gặp tại cộng đồng năm 2023 cho 180 học viên tại 3 trung tâm y tế Thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình.

Tổ chức chương trình khám sàng lọc các rối loạn tâm thần, trẻ rối loạn phổ tự kỷ cho hơn 300 trẻ tại xã Vũ Linh, Thị trấn Yên Bình huyện Yên Bình.

Bên cạnh công tác quản lý và điều trị, hoạt động giám sát, truyền thông được thực hiện thường xuyên. Qua đó, nhận thức về sức khoẻ tâm thần của các cấp chính quyền và người dân ở địa phương đã được thay đổi rõ rệt theo hướng tích cực.

Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay tiềm ẩn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến các bệnh lý tâm thần tại cộng đồng. Đặc biệt đại dịch COVID-19 như là một sang chấn thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn như trầm cảm, lo âu, rối loạn tress sau sang chấn.  Do đó, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo phải chú ý hơn về mặt sức khỏe tâm thần người dân, không chỉ đối với người già, người trưởng thành mà đối với trẻ em và vị thành niên nguy cơ rối loạn tâm thần cũng rất cao.

Để quản lý tốt các bệnh nhân tâm thần, động kinh thì vai trò của gia đình, cộng đồng là rất quan trọng; gia đình cần đưa bệnh nhân đi khám định kỳ, nhắc uống thuốc đều. Cộng đồng cần chia sẻ, giúp đỡ với người bệnh và gia đình người bệnh, nhất là gia đình những người bệnh nghèo, không có thân nhân sống cùng thì cộng đồng cần giúp đỡ, đưa người bệnh đi khám, lĩnh thuốc.v.v…

Các bác sỹ chuyên khoa tâm thần khuyến cáo: Mỗi người dân cần có một lối sống khoẻ mạnh, hoạt động có ích để có tâm lý tốt, lạc quan, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khoẻ. Đồng thời, hiểu đúng đắn về dấu hiệu, triệu chứng bệnh tâm thần nhằm giúp cho mình cũng như người thân phát hiện kịp thời, sớm đưa người bệnh đến trạm y tế, phòng khám bệnh tâm thần để được giúp đỡ, nhằm đạt mục tiêu: “Nâng cao chất lượng cuộc sống” cho mọi người trong xã hội./.

 

Bs Lê Anh Quyết

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài