CHÀO MỪNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI 10\10

CHÀO MỪNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI 10\10

Kinh tế xã hội ngày càng hiện đại thúc đẩy công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng với đó kéo theo những mặt trái và áp lực cuộc sống gia tăng, làm cho số người bị rối nhiễu tâm thần, gặp các vấn đề tâm lý ngày càng nhiều, đặc biệt vấn đề này không chỉ gặp ở những người cao tuổi hay trung tuổi, mà còn có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên. Trước thực trạng đó, Tổ chức Y tế thế giới đã lấy chủ đề của ngày sức khỏe tâm thần thế giới năm 2021 (10/10) là: “Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho tất cả mọi người: hãy biến nó thành hiện thực”.
Với chủ đề này cho thấy đã có một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ, với mục đích không chỉ ngành y tế mới có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người mà mỗi cá nhân cần có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho chính bản thân mình. Ngày hôm nay Sức khỏe tâm thần không chỉ được khuyến cáo ở một độ tuổi nhất định nào đó nữa. Mà là vấn đề của toàn xã hội, rõ thấy nhất đó là tác động của đại dịch covid tới vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần 

Nhân Ngày sức khỏe tâm thần thế giới  10/10 xin được chia sẻ bài viết:

Đ𝐀̣𝐈 𝐃𝐈̣𝐂𝐇 𝐂𝐎𝐕𝐈𝐃 𝐕𝐀̀ 𝐂𝐀́𝐂 𝐕𝐀̂́𝐍 Đ𝐄̂̀ 𝐓𝐀̂𝐌 𝐋𝐘́ - 𝐓𝐀̂𝐌 𝐓𝐇𝐀̂̀𝐍

Đại dịch SARS Covid-2 từ lúc xuất hiện tháng 1/2020 đã lan tràn trên hầu hết các lãnh thổ toàn thế giới. Dịch bệnh corona virus gây ra quá tải toàn bộ hệ thống y tế từ sàng lọc nhiễm, truy tung, phong tỏa và cách ly các trường hợp F0, F1, F2, cũng như điều trị các biến chứng nặng nề với tỷ lệ tử vong cao khoảng 5.6% đến 6.4% . Không chỉ nhân viên y tế, không chỉ giới chức trách đảm nhiệm vai trò chống dịch phải gặp nhiều khó khăn, người dân cũng gặp phải nhiều vấn đề về sinh hoạt, kinh tế, kể cả sự sợ hãi liên quan đến dịch bệnh, mà nhất là những bệnh nhân nhiễm corona virus. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần đối với cộng đồng vì vậy cần đặt ra, không chỉ liên quan đến sự sợ hãi mà còn nhiều vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Điều này đòi hỏi cần có sự nhìn nhận cẩn thận hơn về vấn đề tâm thần – tâm lý trong tình huống đại dịch Covid lan tràn ở Việt Nam.

𝐒𝐔̛̣ 𝐊𝐘̀ 𝐓𝐇𝐈̣
Tổ chức Y tế Thế giới WHO (World Health Organization) đã đưa ra lời khuyến cáo và cảnh báo về những vấn đề sức khỏe tâm thần – tâm lý từ tháng 3/2020 . Điều đầu tiên được nhắc đến là sự kỳ thị. Kế đến là sự sợ hãi và ám ảnh, dẫn đến những niềm tin không phù hợp với khoa học và những đồn đoán sai sự thật.
Tác động của văn hóa đến sức khỏe đã được chấp nhận. Những niềm tin có thể làm cải thiện những cảm nhận bất lợi về bệnh. Những giả dược có thể cải thiện triệu chứng. Những quan điểm và ám ảnh của mỗi gia đình về vấn đề sức khỏe truyền đến mỗi thành viên và có thể nhanh chóng lan tràn dựa vào ma trận của mối quan hệ xã hội, cũng như truyền thông không chính thống (facebook, zalo, …). Đây là điều mà các nhà quản lý về chăm sóc sức khỏe cần quan tâm trong các đợt bùng phát dịch bệnh. Các niềm tin xã hội và gia đình liên quan đến những cách giải thích về bệnh và dịch bệnh có thể làm tác động không nhỏ đến chiến lược giải quyết dịch bệnh. Đã từng xảy ra nhiều vấn đề liên quan đến điều này như: các vấn đề e ngại tiêm ngừa (kể cả ở những nước phát triển), các phương cách điều trị dân gian nguy hiểm (uống rượu nặng, uống chanh mật ong, xông lá cây, …), tắm ở sông Hằng … Một vấn đề liên quan nặng nề xuất hiện trong đại dịch đó là sự kỳ thị do đổ lỗi của cộng đồng đối với người nhiễm bệnh. Điều này làm cản trở chiến dịch tầm soát và truy tung nguồn lây. Cũng như làm trầm trọng vấn đề tâm lý – tâm thần đối với những người nhiễm bệnh và nhất là người vừa thoát khỏi các biến chứng nặng.
Việc ưu tiên cho sự an toàn công cộng và sự thay đổi ưu tiên phân bổ nguồn lực và cung cấp dịch vụ có thể dẫn đến sự gia tăng nhận thức tiêu cực đối với các nhóm người bị nhiễm trong đại dịch. Sự thông tin có tính chất kì thị đã xuất hiện nhiều với nhiều nhóm bệnh nhân như: tâm thần phân liệt, chậm phát triển tâm thần, HIV …, liên quan đến việc phân bố phúc lợi xã hội, được đề cập nhiều trong các nghiên cứu (5). Những thông tin sai lệch còn làm xuất hiện nổi sợ hãi của dân chúng đối với cộng đồng mắc bệnh. Điều này lại càng làm trầm trọng hơn sự sợ hãi ở người nhiễm bệnh trong đại dịch Covid. Lịch sử về vấn đề kỳ thị đã trải dài trong y văn. Sự kỳ thị làm nhóm người nhiễm bệnh tin tưởng hoặc cho rằng bị kỳ thị sẽ né tránh tìm kiếm sự giúp đỡ về y tế hoặc xã hội; những người khác thì né tránh. Điều này dẫn đến bạo lực nhóm và dẫn đến những hậu quả xa hơn về mặt tâm lý xã hội mà tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý – tâm thần cá nhân. Do đó giải quyết vấn đề kỳ thị là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà quản ý chăm sóc sức khỏe trong các đợt dịch bệnh (3).

𝐂𝐚́𝐜 𝐛𝐞̣̂𝐧𝐡 𝐥𝐲́ 𝐭𝐚̂𝐦 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐦𝐮̀𝐚 đ𝐚̣𝐢 𝐝𝐢̣𝐜𝐡
Các chẩn đoán của vấn đề tâm thần trong đại dịch mặc dù vẫn chưa được thống nhất nhưng vẫn có sự chung nhất về các triệu chứng. Có thể chia thành các nhóm triệu chứng sau(8):
• Triệu chứng ám ảnh: ký ức tái diễn về dịch bệnh, được lặp lại trên truyền thông, phản ứng phân ly lặp lại do cảm giác bị đe dọa, thay đổi nhịp sống, ám ảnh về vệ sinh.
• Triệu chứng khí sắc: cảm xúc buồn rầu liên quan với bệnh thực thể, nổi sợ bị nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ tự sát. Kèm theo cảm giác trống rỗng, mất hy vọng.
• Triệu chứng phân ly: cảm giác không thật, mơ hồ về bản thân, nhận thức méo mó do quá mức cảnh giác với môi trường.
• Triệu chứng tránh né: đây là nỗ lực cố gắng thoát khỏi đau thương, một lối thoát cho suy nghĩ, cảm xúc và ký ức đau khổ từ đại dịch.
• Triệu chứng tăng hoạt động: biểu hiện với hình thức than phiền về các dịch vụ y tế, kèm theo là rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức giữa giấc, mệt mỏi khi thức giấc), tức giận, cơn bùng nổ cảm xúc, tăng cảnh giác, phản ứng mạnh với kích thích, khó tập trung.
Có nhiều ghi nhận về vấn đề tâm thần trong y văn ở các đại dịch trước đây. Trong đại dịch SARS-CoV-1 năm 2003, ghi nhận tỷ lệ cao triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder – PTSD) và hành vi lạm dụng rượu, thuốc lá ở nhân viên y tế. Trong dịch MERS 2015, có 47.2% có triệu chứng lo âu, và 19.4% có triệu chứng này kéo dài 4-6 tháng; 16.6% có biểu hiện tức giận khi cách ly, 28.1% bệnh nhân bị cách ly vẫn còn triệu chứng này sau 4-6 tháng.
Do đó, chúng tôi tạm sắp xếp vào các nhóm bệnh lý sau, mặc dù theo tác giả Heizman, vẫn kém tương thích giữa chẩn đoán các rối loạn tâm thần trong các nghiên cứu về các vấn đề tâm thần trong đại dịch, dù rằng triệu chứng chung vẫn gần như tương đương .

𝐑𝐨̂́𝐢 𝐥𝐨𝐚̣𝐧 𝐬𝐭𝐫𝐞𝐬𝐬 𝐜𝐚̂́𝐩 𝐯𝐚̀ 𝐫𝐨̂́𝐢 𝐥𝐨𝐚̣𝐧 𝐭𝐡𝐢́𝐜𝐡 𝐮̛́𝐧𝐠
Nhiễm bệnh đang là nổi căng thẳng rất lớn với mọi người. Thể hiện bằng tình trạng trốn chạy, bằng sự tích góp thực phẩm, bằng việc tự phong tỏa khu vực sinh sống. Đó chỉ là sự bắt đầu. Sợ hãi đến thời điểm bản thân và gia đình bị bệnh. Sợ hãi đến tình hình xã hội liên quan ảnh hưởng đến cuộc sống. Sợ hãi nguy cơ xấu nhất có thể ảnh hưởng đến bình yên và cân bằng của gia đình .
Tình trạng căng thẳng sẽ tăng dần cùng với những thông tin về dịch bệnh. Thông tin chính xác là một điều cần thiết nhưng cũng có nguy cơ kích thích nổi sợ hãi và lo âu . Sợ về cái chết luôn là nỗi sợ lớn của con người. Và số tử vong luôn tăng dần trong dịch bệnh là yếu tố kích phát nổi sợ hãi tăng dần. Sự lo lắng và sợ hãi sẽ tăng dần theo thời gian khi yếu tố dịch bệnh vẫn tồn tại và phát triển. Theo nghiên cứu ở Úc, tỷ lệ căng thẳng tâm lý ở vùng dịch đến 34% so với vùng không dịch là 12%.
Thay đổi cuộc sống khi dịch bệnh xảy ra làm cắt đứt tất cả những thói quen cũ. Mỗi cá nhân đều có sự cân bằng giữa yếu tố kích thích từ môi trường sống và yếu tố nâng đỡ mà họ luôn tìm kiếm. Mệt mỏi trong làm việc, cạnh tranh trong cuộc sống so với sự giải trí trong đời thường, sự vui vẻ, hạnh phúc với gia đình, bạn bè. Mọi thứ đều thay đổi theo hướng giảm thiểu. Yếu tố nâng đỡ đã bị cắt giảm rất nhiều trong khi yếu tố căng thẳng đang ngày càng nâng cao. Mất cân bằng này là yếu tố gây xuất hiện tình trạng rối loạn thích ứng. Nặng nề hơn khi có những yếu tố đau khổ dữ dội: mất người thân, bệnh nặng nề, suy sụp về kinh tế.
Biểu hiện của rối loạn thích ứng (adjustment disorder) bao gồm: cảm giác mệt mỏi, yếu ớt có thể xuất hiện mà rất giống với trạng thái nhiễm virus. Cảm giác uể oải, thiếu sức sống, mất động lực hoạt động. Thích nằm, dễ rơi vào giấc ngủ nhưng cũng dễ thức. Cảm giác chán nản, trống rỗng, mất định hướng trong sinh hoạt. Tình trạng dễ cáu gắt. Chán ăn, thèm ăn nhưng ăn không ngon. Thậm chí đau bụng, tiêu chảy, choáng váng, sây sẩm khi thay đổi tư thế. Các triệu chứng xen lẫn với bệnh lý trầm cảm và lo âu nhưng có mức độ nhẹ hơn và không đáp ứng tiêu chuẩn chẩn đoán lo âu hay trầm cảm. Và do đó, vẫn có khả năng xuất hiện ý nghĩ tự sát hoặc hành vi tự sát.
Ở mức độ nặng hơn, đó là rối loạn stress cấp xuất hiện ngay lập tức khi đối diện với yếu tố gây sang chấn (mất người thân, nhiễm dịch bệnh, …) Tình trạng tái diễn những suy nghĩ, hình ảnh đau khổ xuất hiện khi thức tỉnh hay khi ngủ, không chủ ý và có tính xâm lấn, lặp đi lặp lại một cách ép buộc. Cảm giác đau buồn và khóc lóc dễ dàng xuất hiện, kể cả tình trạng bực tức, giận dữ, tự trách mình hoặc người khác, dằn vặt bản thân hoặc người khác. Từ đó dẫn đến sự cáu kỉnh, cau có, hay tranh cãi. Cũng như các triệu chứng của trầm cảm cũng có thể xuất hiện. Ác mộng tái diễn thường xuyên. Tình trạng phân ly xuất hiện trong sinh hoạt hàng ngày, như: mất nhận thức thoáng qua, hành vi vô thức, quên phân ly (quên về một chi tiết, khía cạnh hoặc toàn bộ câu chuyện gây đau khổ), trạng thái muốn bỏ nhà đi, cảm giác không chân thật về môi trường xung quanh. Tình trạng rối loạn giấc ngủ cũng xuất hiện với trạng thái mất ngủ, ngủ không yên giấc, dễ giật mình, mất tập trung. Các triệu chứng cơ năng về cơ thể cũng xuất hiện: triệu chứng tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, cơ xương, thần kinh, tiết niệu, … cũng có thể xuất hiện. Sự dằn vặt, đau khổ liên quan đến câu chuyện gây đau khổ cũng có thể kích thích ý nghĩ tự sát và hành vi tự sát

𝐑𝐨̂́𝐢 𝐥𝐨𝐚̣𝐧 𝐜𝐚̆𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐚̆̉𝐧𝐠 𝐬𝐚𝐮 𝐬𝐚𝐧𝐠 𝐜𝐡𝐚̂́𝐧 (𝐏𝐓𝐒𝐃)
Tình trạng bệnh lý diễn biến cấp tính và biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, tử vong với các bệnh nhân nhiễm covid là một diễn biến có thể gây sốc với nhiều người. Điều này là một yếu tố gây sang chấn nặng cho chính bệnh nhân, cũng như với thân nhân của họ. Đối với người nhiễm, đó là sự lo sợ đến một nguy cơ biến chứng, tử vong, bị cách ly, bị kỳ thị. Đối người thân của người nhiễm, đó là nổi lo sợ do chờ đợi nguy cơ có thể xảy ra với bản thân họ, lo sợ về nguy cơ cho người thân bị nhiễm. Sự đau khổ có thể ngay lập tức khi biết về biến chứng ở người nhiễm hoặc có thể là nỗi ám ảnh kéo dài, sự dằn vặt kéo dài về cái chết do biến chứng. Yếu tố gây sang chấn không phải bệnh tật và tử vong mà còn liên quan đến sự phong tỏa, cách ly do dịch bệnh. Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 30% trẻ em bị cách ly và 25% phụ huynh bị cách ly có triệu chứng của PTSD xuất hiện trong dịch bệnh
Rối loạn này xuất hiện khi vấn đề gây sang chấn đã kết thúc một thời gian dài nhưng vẫn tái diễn những ký ức đau buồn với tính chất không tình nguyện, xâm lấn (không mong muốn), những giấc mơ tái diễn liên quan đến sự kiện đau buồn. Đau khổ nội tâm tái diễn khi đối diện với tình huống, dấu hiệu, đồ vật liên quan với sự kiện gây sang chấn. Một bệnh lý nhẹ có triệu chứng tương tự làm gợi nhớ về tự vong trong dịch bệnh. Tiếng điện thoại gợi nhớ tin báo về tình trạng sức khỏe, cái chết của người thân. Sự né tránh thường trực các kích thích liên quan đến sự kiện đau buồn như: né tránh (hoặc sợ hãi mãnh liệt) đi ngang các bệnh viện, né tránh (hoặc sợ hãi mãnh liệt) khi nghe còi cứu thương, sợ hãi khi nhìn đồ vật của người thân, tránh nhắc nhở đến người thân (đã mất), … Việc gợi nhớ hoặc những ký ức tái diễn này có thể gây ra các vấn đề cơ năng cơ thể, các triệu chứng bất thường của các hệ cơ quan dù không tổn thương (cơ quan) nào giải thích cho triệu chứng đó (tim nhanh, khó thở, toát mồ hôi, buồn nôn, đau bụng, buồn tiêu, đau đầu, chóng mặt, run, yếu liệt, …). Các vấn đề về tâm lý cũng có thể xuất hiện như không nhớ được một ít hoặc toàn bộ yếu tố quan trọng của sự kiện đau khổ, các niềm tin hoặc kỳ vọng quá mức vào người khác hoặc bản thân đưa đến sự thất vọng, trách móc bản thân hoặc người khác.
Tình trạng mất người thân đột ngột, nhanh chóng khi biến chứng nặng của nhiễm Covid làm xuất hiện sang chấn tâm lý nặng nề với người ở lại. Chỉ trong vài ngày, vài tuần trước người thân vẫn còn sinh hoạt, giao lưu nhưng đột ngột gia đình lại nhận được tin tức báo tử. Hoàn cảnh dịch bệnh còn làm việc giải quyết tang chế cũng hạn chế. Giải quyết tang chế trong hoàn cảnh bình thường có thể xem là cách để sắp xếp đau buồn, cách để người còn sống giảm nhẹ nổi đau do mất người thân. Những qui tắc, cách hành lễ trong tang lễ, thời gian cho tang lễ, lễ cúng thất … là những bước giúp cho sự đau khổ của người ở lại được gói ghém và dần dần trở lại cân bằng. Sự giản lược đối với bệnh nhân tử vong do nhiễm covid làm cho cơ chế giải quyết sang chấn này dành cho người thân hoàn toàn bị cắt bỏ và điều này làm nguy cơ xuất hiện rối loạn stress cấp, rối loạn thích ứng và PTSD dễ dàng xuất hiện hơn.
PTSD không chỉ liên quan đến một tình trạng nặng nề như tử vong, bệnh nguy kịch mà còn có thể liên quan đến tình trạng phong tỏa, cách ly, dẫn đến những ám ảnh đơn thuần với triệu chứng bệnh. Nghiên cứu ở những người bị phong tỏa do dịch SARS năm 2008, có 54% ám ảnh và né tránh những người ho, hắc hơi; 26% né tránh nơi đông đúc; 21% né tránh tất cả những nơi công cộng (16). Có hơn 1/3 số người mắc bệnh lý tâm thần trong nghiên cứu của Hao F và cộng sự, mắc phải tình trạng PTSD (7)
Đau khổ không được giải quyết là một ám ảnh làm con người phải tìm kiếm một niềm tin khác để giúp cân bằng cho chính họ, khi mà niềm tin vào y học hiện đại đã bị dao động do sang chấn. Một niềm tin vào các loại thảo dược một cách mù quáng khi người thân đã mất, khi bản thân chưa cảm giác được an toàn sẽ xuất hiện sau thất bại của y học hiện đại. Sự chê bai, mỉa mai đối với Tây y, từ chối việc điều trị Tây y dù tiến triển bệnh lý không khả quan … là hậu quả có thể xuất hiện liên quan đến những thay đổi tiêu cực về nhận thức sau khi sự kiện gây sang chấn xảy ra. Điều này không chỉ xuất hiện trong dịch bệnh, mà còn liên quan đến tình trạng các trang mạng đăng tải nhiều thông tin về các loại thực phẩm chức năng hỗ trợ và phong trào sử dụng các loại thảo dược lan tràn trong cộng đồng. Lạm dụng chất cũng xuất hiện trong bối cảnh này (lạm dụng rượu, thuốc lá, …). Tình trạng bùng phát của dịch bệnh làm niềm tin này dường như lan tràn nhanh chóng và có nguy cơ làm giảm hiệu quả chăm sóc của hệ thống y tế. Điều này là một yếu tố góp phần làm cho chiến dịch chống sự lan tràn của dịch bệnh bị suy giảm.

𝐑𝐨̂́𝐢 𝐥𝐨𝐚̣𝐧 𝐥𝐨 𝐚̂𝐮 – 𝐭𝐫𝐚̂̀𝐦 𝐜𝐚̉𝐦
Lo âu là một hoạt động bình thường của tâm lý. Lo âu những nguy cơ có thể xuất hiện giúp chủ thể đề phòng, có chiến lược phù hợp để ứng phó và vượt qua những khó khăn có thể xuất hiện. Lo âu là động lực để con người phát triển khi cố gắng hoàn thiện bản thân và hổ trợ cho môi trường xung quanh. Từ đó, lo âu giúp bản thân con người và xã hội tiến bộ hơn.
Lo âu chỉ được xem là bệnh lý khi lo lắng thái quá về những hậu quả tiêu cực của nhiều vấn đề trong cuộc sống. Tưởng tượng đến những vấn đề xấu, tiêu cực có thể xuất hiện với bản thân và người nhà. Như: tương lai đen tối nếu bệnh tật xuất hiện, thu nhập gia đình bị suy giảm, các vấn đề tai nạn xảy ra với bản thân hoặc người nhà, các vấn đề xấu về thực phẩm, không khí, … Lo âu để gọi là bệnh lý còn khi xuất hiện với hình thức ám ảnh (là những suy nghĩ, hình ảnh lặp đi lặp lại với tính chất xâm lấn, cưỡng bách). Các dấu hiệu cơ thể phải xuất hiện kèm theo với suy nghĩ lo âu: cơn hoảng loạn (lo âu cấp tính) với biểu hiện bằng tình trạng cơn tăng huyết áp đột ngột, tăng nhịp tim, cảm giác khó thở, nghẹn cổ (như có cục chặn ở cổ), run rẩy tay chân, toát mồ hôi; đau dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, đau bụng, sôi ruột, tiêu chảy hoặc táo bón, căng thẳng cơ bắp, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt.

T𝐫𝐚̂̀𝐦 𝐜𝐚̉𝐦
Trầm cảm là một biểu hiện của rối loạn khí sắc với biểu hiện chủ yếu của khí sắc trầm uất, tình trạng chán nản với mọi hoạt động. Kèm theo các dấu hiệu khác về mặt tâm thần – tâm lý và cơ thể (somatoform). Bao gồm: mệt mỏi, chán ăn hoặc thèm ăn quá mức, sụt cân hoặc tăng cân (≥ 5% khối lượng cơ thể), mất ngủ hoặc ngủ nhiều, giảm vận động, ý nghĩ bi quan, tự ti, mặc cảm, bị tội, ý tưởng tự sát hoặc có hành vi tự sát. Có thể xuất hiện các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác phù hợp hoặc không phù hợp với khí sắc. Các triệu chứng trầm cảm phải kéo dài ít nhất 2 tuần để được chẩn đoán là bệnh lý trầm cảm.
Tình trạng dịch bệnh Covid sẽ thúc đẩy tình trạng lo âu càng tăng. Lo âu bản thân nhiễm bệnh, lo âu lây lan bệnh cho người xung quanh, lo âu về sự cô lập khi quá trình phong tỏa, giản cách toàn xã hội hoặc bị cách ly, lo âu các biến chứng nguy hiểm và nhất là lo âu về cái chết. Khả năng kích hoạt lại bệnh lý lo âu và trầm cảm có sẵn; khả năng kích hoạt bệnh lý lo âu – trầm cảm tiềm ẩn mà chưa bùng phát lần nào; khả năng kích thích một tình trang lo âu bình thường trở thành bệnh lý lo âu – trầm cảm. Sự đau khổ do mắc bệnh hoặc mất người thân làm khả năng xuất hiện trầm cảm là có thể đoán trước, ngoài các rối loạn liên quan đến stress và sang chấn. Các loại ma túy khác nhau (ma túy đá, thuốc kích thích, rượu, cần sa, …) xuất hiện trong trầm cảm lo âu và stress luôn được đề cập, như là một phương thức né tránh, giảm nhẹ đau khổ xuất hiện trong đại dịch.

𝐂𝐚́𝐜 𝐛𝐢𝐞̂́𝐧 𝐜𝐡𝐮̛́𝐧𝐠 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐤𝐢𝐧𝐡 – 𝐭𝐚̂𝐦 𝐭𝐡𝐚̂̀𝐧 𝐤𝐡𝐚́𝐜 n giấc ngủ đơn thuần, các rối loạn dạng cơ thể (somatoform disorders) cũng có thể xem là những vấn đề tâm thần – thần kinh xuất hiện khi nhiễm covid. Theo Hao F và cộng sự, có hơn ¼ người có vấn đề tâm thần trong dịch Covid năm 2019 mắc phải tình trạng mất ngủ trung bình nặng đến nặng
Không những vậy còn có nhận định về khả năng tác động đến hệ thần kinh trung ương, và có nghiên cứu ghi nhận những dấu hiệu của tổn thương thần kinh (10). Tổng quan do Jasti M và cs ghi nhận về khả năng SARR-CoV-2 nhiễm vào tế bào thần kinh, đặc biệt là medulla oblongata ở trung khu điều phối tim phổi, cũng có thể liên quan đến phản ứng viêm gây tổn thương thứ phát ở sợi trục thần kinh. Nghiên cứu Mao L và cộng sự trên các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung Quốc ghi nhận có đến 36.4% có biểu hiện dấu hiệu hệ thần kinh: 24.8% có dấu hiệu hệ thần kinh trung ương (Central Nervous System – CNS), 8.9% có dấu hiệu thần kinh ngoại biên (Peripheral Nervous System – PNS) và 10.7% tổn thương thần kinh cơ. , sự tồn tại của nCoV trong dịch não tủy
Bên cạnh đó, về lâu dài, yếu tố căng thẳng kéo dài đến hiện nay được nhiều nhà khoa học nghi ngờ là yếu tố dẫn đến vấn đề loạn thần (tâm thần phân liệt, loạn thần cấp, …). Tình trạng căng thẳng kéo dài có thể gây thúc đẩy sự tiêu hao serotonine, phospholipid và dẫn đến sự hổn loạn chất dẫn truyền thần kinh, teo thần kinh và từ đó dẫn đến các triệu chứng loạn thần dương tính và âm tính trong loạn thần (1). Nguy cơ mắc phải bệnh lý loạn thần cũng đã được xác thực trong các nghiên cứu về dịch bệnh do virus trong y văn, cũng như tổn thương hệ thống thần kinh trung ương, chứ không chỉ đơn thuần là yếu tố sang chấn mãn tính gây ra sự suy sụp của hệ thống dẫn truyền thần kinh . Năm 2019, có 10.6% loạn thần cấp, năm 2020 có 9.8% loạn thần cấp trong nghiên cứu của Lorenzo RD và cộng sự 

𝐊𝐞̂́𝐭 𝐥𝐮𝐚̣̂𝐧
Các vấn đề về thần kinh – tâm thần – tâm lý trong đại dịch do nhiễm virus có thể chia 2 nhóm: tổn thương cấp tính thần kinh, sang chấn cấp và mãn tính, rối loạn lo âu và trầm cảm, cũng như loạn thần và nghiêm trọng là kỳ thị trong cộng đồng. Nghiên cứu về ảnh hưởng thần kinh – tâm thần – tâm lý trong đại dịch do nhiễm virus vẫn chưa đầy đủ. Chủ yếu vẫn là những mô tả trong và sau đó, song vẫn chưa thật sự có bằng chứng tổn thương thật sự liên quan đến nhiễm virus. Mặc dù vậy, vẫn không thể coi nhẹ mà còn phải xem là một trong những vấn đề then chốt cho chiến lược phòng chống đại dịch Covid.

Nguồn: https://bvtt-tphcm.org.vn/dai-dich-covid-va-cac-van-de-tam-ly-tam/

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài