CHÀO MỪNG NGÀY TIM MẠCH THẾ GIỚI (29/9/2024)

Ngày Tim mạch Thế giới (World Heart Day) được Liên đoàn Tim mạch Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới thống nhất tổ chức vào ngày 29/9 hàng năm để kêu gọi sự chú ý của cộng động, kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tim mạch. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong, gấp 20 lần số tử vong do ung thư và gấp 10 lần số tử vong vì tai nạn giao thông.
Bệnh tim mạch đang có chiều hướng gia tăng ở người trẻ tuổi; Xuất hiện nhiều ở những người 30 đến 40 tuổi. Một số yếu tố sức khỏe có nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch: Tăng huyết áp; Đái tháo đường; Suy thận; Rối loạn mỡ máu; Thừa cân, béo phì; Ô nhiễm môi trường; Ít vận động thể lực; Chế độ ăn uống không lành mạnh; Yếu tố di truyền; Lạm dụng rượu bia; Hút thuốc lá,...
Trái tim và chỉ số huyết áp vốn dĩ có mối quan hệ khăng khít với nhau. Một trái tim bị bệnh sẽ biểu hiện qua con số huyết áp thay đổi thất thường. Và ngược lại huyết áp vượt ngưỡng an toàn sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim mạch. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy: 90% trường hợp suy tim có tiền sử tăng huyết áp. Người bị tăng huyết áp có nguy cơ suy tim tăng gấp 2 lần ở nam giới và gấp 3 lần ở nữ giới so với những người có huyết áp bình thường.
Tăng huyết áp là một vấn đề sức khỏe phổ biến và nguy hiểm, nhưng có thể được kiểm soát và quản lý thông qua các biện pháp hợp lý. Đo huyết áp thường xuyên là một phương pháp quan trọng để kiểm tra sức khỏe tim mạch, phát hiện sớm bất thường và tìm giải pháp kịp thời. Điều này giúp ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch, ngăn ngừa các biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Các biện pháp để ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch:
1. Chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường bổ sung rau, trái cây, các loại ngũ cốc, thực phẩm có chứa chất xơ, giảm tiêu thụ muối và chất béo không lành mạnh.
2. Tập thể dục đều đặn: Thực hiện tập luyện thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày để phòng chống các bệnh lý tim mạch.
3. Kiểm soát cân nặng: Đối với những người có thừa cân hoặc béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm áp lực lên hệ tim mạch và huyết áp.
4. Tránh stress, căng thẳng lo âu: Thực hiện yoga, thiền, tập luyện thể dục, và tìm kiếm cách thư giãn để giảm stress.
5. Kiểm tra định kỳ và tuân thủ lời khuyên của bác sĩ: Điều này bao gồm việc đo huyết áp đều đặn, tham khảo ý kiến bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng và loại thuốc khi được chỉ định.
Như vậy, việc ổn định huyết áp và bảo vệ tim mạch đòi hỏi sự chăm chỉ và kiên nhẫn. Kiểm soát tốt huyết áp sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Hãy duy trì lối sống lành mạnh và tìm sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế khi cần thiết để duy trì sức khỏe tim mạch tốt./.