CHƠI VỚI TRẺ: PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ, CẢM XÚC, HÀNH VI VÀ TƯƠNG TÁC XÃ HỘI CHO TRẺ

CHƠI VỚI TRẺ: PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ, CẢM XÚC, HÀNH VI VÀ TƯƠNG TÁC XÃ HỘI CHO TRẺ

Khi quan sát trẻ chơi, chúng ta thấy trẻ say đắm tham gia trò chơi, vui vẻ và cách thực hiện trò chơi ngày càng được nâng cao hơn. Vậy theo các chuyên gia trò chơi là gì? Người ta khó định nghĩa trò chơi là gì nhưng các nhà chuyên môn đều thống nhất các đặc điểm cơ bản khi trẻ tham gia trò chơi:

1. Trò chơi có ý nghĩa: trẻ chơi để cảm nhận thế giới chung quanh trẻ và thấy được ý nghĩa khi tham gia trò chơi bằng cách nối kết điều đang chơi với cái trẻ đã biết. Thông qua trò chơi, trẻ thể hiện và áp dụng hiểu biết của trẻ vào trò chơi.

2. Trò chơi tạo sự thích thú: nhìn trẻ đang chơi, chúng ta đều thấy trẻ cười và thích thú. Dĩ nhiên có những lúc trẻ có thái độ không hài lòng, khó chịu và căng thẳng ( ai sẽ được thực hiện đầu tiên đây? Tại sao mình làm nhiều lần mà chưa được?...), tuy nhiên cảm xúc ưu thế của trẻ vẫn là thích thú, vui vẻ, thoải mái và nhiệt tình.

3. Trẻ tham gia trò chơi một cách chủ động: nhìn trẻ đang chơi, chúng ta sẽ thấy trẻ tham gia trò chơi một cách chăm chú và nhiệt tình, trẻ sử dụng cả các hoạt đông cơ thể, tâm trí, lời nói và cảm xúc vào trò chơi.

4. Trò chơi là lặp đi lặp lại: trò chơi và học không bao giờ là không chuyển động. Khi trẻ chơi, trẻ đang thực hiện các kỹ năng, cố gắng thực hiện tốt đến mức có thể, đưa ra các giả định và khám phá các thách thức mới, từ đó trẻ sẽ học được sâu rộng hơn.

5. Trò chơi là tương tác xã hội: trong khi chơi, trẻ có thể nói lên ý tưởng của mình và hiểu được người khác thông qua sự tương tác xã hội. Việc này tạo đà cho việc hiểu biết sâu rộng hơn và tạo được mối quan hệ xã hội tốt hơn.

Để hiểu rõ thêm ý nghĩa của trò chơi, các nhà chuyên môn chia trò chơi theo các cách khác nhau:

- Theo cấu trúc:

+ Trò chơi cấu trúc: trò chơi được người lớn xây dựng, có cấu trúc, có mục tiêu cụ thể và trẻ thực hiện theo cấu trúc để đạt mục tiêu mong đợi.

+ Trò chơi không cấu trúc: người lớn cho trẻ chơi tự do, không có mục tiêu cụ thể vấn đề chính đó là sự an toàn của trẻ khi chơi tự do.

- Theo nội dung:

+ Trò chơi thể lực: Có hai loại trò chơi thể lực chính đó là vận động thô và vận động

tinh. Trò chơi này liên quan đến việc phát triển các kỹ năng như phối hợp toàn bộ cơ thể và phối hợp tay- mắt. Cả hai loại trò chơi thể lực này có thể xây dựng mối quan hệ xã hội và hỗ trợ các kỹ năng cảm xúc- xã hội.

+ Trò chơi với đồ chơi: đây là trò chơi vận động- tri giác, trong trò chơi này trẻ khám phá các đồ chơi này có cảm giác ra sao và nó hoạt động như thế nào. Trò chơi đối tượng này cung cấp cho trẻ cơ hội khám phá thế giới vật chất xung quanh trẻ, sử dụng sự sáng tạo, tưởng tượng và các kỹ năng vận động để trải nghiệm với các đồ vật đó.

+ Trò chơi biểu tượng: liên quan đến việc sử dụng các vật hoặc đồ chơi “ giả vờ” để đại diện cho một vật có thật trong cuộc sống ( ví dụ sử dụng các đồ vật có hình hộp để làm điện thoại và nói chuyện với người khác). Trò chơi này giúp trẻ phát triển kỹ năng liên kết giữa kinh nghiệm bản thân với thế giới xung quanh trẻ. Trò chơi biểu tượng cho phép trẻ thể hiện bản thân, trải nghiệm với các đồ vật và thực hiện các hoạt động thích thú với đồ vật đó.

+ Trò chơi giả vờ: trong trò chơi này trẻ thực hiện một vai trò nào đó, nó phản ảnh kinh nghiệm và hoàn cảnh của riêng trẻ ( ví dụ như trẻ đóng vai người mẹ chăm sóc con..). Trò chơi giả vờ này hỗ trợ tích cực cho việc phát triển các khả năng nhận thức, xã hội và học tập. Bởi vì khi tham gia trò chơi này trẻ sẽ đóng một vai nào đó và có các trách nhiệm nhất định, do đó giúp trẻ phát triển việc tự điều chỉnh bản thân, kỹ năng giai quyết vấn đề và các kỹ năng xã hội.

+ Các trò chơi có quy định: Trong trò chơi này có một luật lệ nhất định và mọi người tham gia đều phải tuân theo, như trò chơi “ trốn – tìm”. Khi chơi các trò chơi có quy định này với bạn bè, trẻ học các kỹ năng xã hội liên quan đến việc chia sẻ, hiểu được quan tâm của người khác, phát triển mối quan hệ xã hội, kỹ năng giải quyết vấn đề và biết cách làm việc theo nhóm.

- Theo hình thức tương tác xã hội:

+ Trò chơi một mình: đây là mức độ đầu tiên trong việc xã hội hóa của trò chơi. Trẻ

ngồi chơi một mình. Trẻ chơi các đồ chơi một mình và theo cách riêng của trẻ.

+ Trò chơi hai người song song: hai trẻ ngồi với nhau, chia sẽ đồ chơi và thực hiện

cùng một nhiệm vụ ( ví dụ hai trẻ cùng chơi xây nhà bằng cách khối gỗ).

+ Trò chơi kết hợp: trẻ chơi với các trẻ khác bằng cách cho, chia sẻ các vật liệu và ý tưởng để chơi. Trẻ chơi trong một nhóm với các hoạt động tương tự nhau nhưng không có tổ chức chính thức, không có định hướng của nhóm và không có mục tiêu

cụ thể. Trong nhóm trẻ có thể mượn đồ lẫn nhau và bắt chước các thành viên trong

nhóm, nhưng trẻ hoạt động độc lập với nhau. Như trẻ có thể cùng nhau sử dụng các

khối gổ để xây nhà, trẻ có thể mượn các khối gỗ của bạn và có thể xem bạn xây như

thế nào để xây nhà của mình đẹp hơn...

+ Trò chơi hợp tác: đây là mức cao nhất trong việc xã hội hóa của trò chơi. Trong trò chơi này, trẻ tham gia trong một nhóm. Trong đó các thành viên trong nhóm chia sẻ ý kiến , quan điểm và kinh nghiệm để thực hiện việc làm của nhóm. Thông qua trò chơi này trẻ học được cách truyền tải quan điểm của bản thân, lắng nghe ý kiến của người khác, tương tác xã hội và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Với các ý nghĩa của các trò chơi các chuyên gia đã có các nghiên cứu về hiệu quả của trò chơi đối với trẻ. Các nghiên cứu cho thấy:

- Trò chơi có ý nghĩa trong việc phát triển trí tuệ, cảm xúc, tư duy, nhận thức và tương tác xã hội của trẻ.

- Trò chơi có thể được sử dụng như là công cụ để hỗ trợ các nhà chuyên môn trong việc đánh giá tâm lý của trẻ.

- Trò chơi được sử dụng như là một liệu pháp để điều trị các vấn đề tâm lý của trẻ.

Để đạt được hiệu quả của việc áp dụng trò chơi cho trẻ, chúng ta cần có các kiến thức đầy đủ và biết cách áp dụng vào cuộc sống hằng ngày với trẻ.

Theo Bs CK II Lâm Tứ Trung (BVTT Đà Nẵng)

Hiện tại khoa Tâm căn tâm lý điều trị đã bước đầu áp dụng liệu pháp trò chơi trong hướng dẫn cha mẹ có trẻ có rối loạn phát triển đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái.

CHƠI VỚI TRẺ: PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ, CẢM XÚC, HÀNH VI VÀ TƯƠNG TÁC XÃ HỘI CHO TRẺ

 

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài