TÓM TẮT ĐỀ TÀI
“Đánh giá kết quả liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái năm 2022”
Rối loạn lo âu lan tỏa (RLLALT) được đặc trưng bởi tình trạng lo âu quá mức không kiểm soát được, lan tỏa nhiều chủ đề, không khu trú bất cứ tình huống đặc biệt nào, thường kéo dài nhiều tháng làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Trong thực hành lâm sàng, điều trị RLLALT có thể sử dụng liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai liệu pháp. Một trong những liệu pháp tâm lý được áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả rõ rệt trong trị liệu cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa chính là liệu pháp nhận thức hành vi. Hiện tại Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái đang triển khai có hiệu quả liệu pháp này trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân RLLALT. Đánh giá kết quả liệu pháp này là nội dung của đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá kết quả liệu pháp nhận thức hành vi trong trị liệu tâm lý cho bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái năm 2022”
Mục tiêu của đề tài là mô tả thực trạng kết quả điều trị bằng liệu pháp nhận thức hành vi trên bệnh nhân rối loạn lo âu lan tỏa và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trị liệu bằng liệu pháp nhận thức hành vi cho bệnh nhân điều trị nội trú.
Đề tài được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 31 bệnh nhân từ 65 tuổi trở xuống được chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa (F41.1) theo ICD 10 điều trị nội trú từ tháng 4 đế tháng 11 năm 2022 tại Bệnh viện Tâm thần Yên Bái.
Kết quả nghiên cứu cho thấy số bệnh nhân RLLALT chủ yếu là nữ (90.3% đối tượng nghiên cứu) với thời gian bị bệnh là 1-3 năm (48.4%). Qua đánh giá đầu vào bằng thang đánh giá mức độ lo âu Zung/: bệnh nhân mắc rối loạn lo âu ở mức độ trung bình là nhiều nhất (77.4%) sau đó đến RLLA nhẹ (12.9%). Đáp ứng điều trị thể hiện rõ ở lần đánh giá thứ 2. 26 trường hợp chiếm 83.9% có số điểm zung giảm hơn 50% so với điểm số đánh giá khi bắt đầu trị liệu. Cùng với đó tỷ lệ bệnh nhân thuyên giảm sau điều trị cùng chiếm tỷ lệ cao, có 93.5% bệnh nhân có mức điểm thuyên giảm (Zung>45) so với trước khi trị liệu
Các triệu chứng lo âu giảm nhiều sau điều trị là : Tôi cảm thấy như bị ngã và vỡ ra từng mảnh; Tôi có cơn ngất, hoặc cảm thấy gần như tê cóng và như kiến bò ở các đầu ngón tay và chân của tôi; Mặt tôi thường nóng và đỏ; Tôi thường có ác mộng. Sự thuyên giảm này phù hợp khi bệnh nhân bắt đầu biết thư giãn và quản lý cảm xúc sau khi thực hành các bài tập nhận thức hành vi. Những thay đổi về hành vi của bệnh nhân thể hiện rõ rệt ngay sau buổi trị liệu đầu tiên. Một số triệu chứng thuyên giảm ít phụ thuộc vào nhiều lý do trong đó hạn chế về thời gian trị liệu và thực hành sau trị liệu là một nguyên nhân quan trọng.
Từ những kết quả trên có thể kết luận: Sau trị liệu các triệu chứng điển hình của Rối loạn LALT giảm rõ rệt hoặc đã hết; kết quả của thang Zung, công cụ chính để dánh giá mức độ của các triệu chứng cho thấy số điểm trung bình đã giảm một nửa; Có thể đánh giá được các triệu chứng giảm nhiều và giảm ít sau điều trị; Đánh giá về đáp ứng và thuyên giảm điều trị cho thấy 83.9 % đáp ứng điều trị và 94.5% thuyên giảm điều trị.
Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá hiệu quả theo một quy trình cụ thể. Nội dung bao gồm Nhận thức hành vi về kiến thức liên quan rối loạn lo âu (triệu chứng, phương pháp điều trị, cảm xúc, bài tập thư giãn, bài tập tái cấu trúc nhận thức, kế hoạch kiểm soát cảm xúc và ứng phó với cơn lo âu).
Để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân RLLA ở Bệnh viện tâm thần Yên Bái, một số giải pháp nghiên cứu đưa ra tập trung vào các nội dung: Dành đủ thời gian và giáo dục tâm lý ban đầu cho bệnh nhân khi bắt đầu trị liệu; Liệu pháp nhận thức hành vi nên áp dụng một cách linh hoạt cho từng đối tượng. Các bài tập cần được thiết kế rõ ràng, dễ hiểu, minh họa sinh động giúp cho bệnh nhân có hứng thú để thực hành. Nhà trị liệu cần phải có kiến thức về trị liệu, hiểu bản chất của liệu pháp nhận thức hành vi; có thể nhóm bệnh nhân cùng đặc điểm triệu chứng để trị liệu nhóm; Việc trị liệu tâm lý cho bệnh nhân trong bệnh viện cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ tâm lý, các bác sĩ và gia đình bệnh nhân để có thể giúp bệnh nhân có sự tuân thủ trị liệu, thực hành nghiêm túc các bài tập tại buồng bệnh cũng như cam kết sau khi ra viện, đó là những yếu tố quyết định đến hiệu quả của liệu pháp nhận thức hành vi.