ĐỂ CÓ MỘT KỲ THI NHẸ NHÀNG
Chúng ta đều biết để có kiến thức cho mỗi kỳ thi quan trọng thì mỗi học sinh đều đã có cả một quá trình dài học hành, ôn luyện và chuẩn bị, vậy tại sao đến mùa thi học sinh vẫn rất nhiều áp lực, thậm chí nhiều câu chuyện buồn lòng xảy ra từ những suy nghĩ tiêu cực của các em? Trả lời cho câu hỏi này PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý trường đại học giáo dục, Đại học Quốc gia cho biết "Dường như chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thi cử, nơi mà những cơ hội cuộc sống chúng ta bị quyết định bởi một phần điểm số của những cuộc thi. Có lẽ các kỳ thi ngày càng trở nên căng thẳng hơn vì có tác động trực tiếp đến cơ hội giáo dục tốt hơn cho cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng học sinh".
Cùng với đó nhiều học sinh tư duy, điểm số của những kỳ thi quan trọng như giá trị và lòng tự trọng của bản thân, thành tích không như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân vô giá trị, làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng. Những tư duy và suy nghĩ này có lẽ phổ biến bởi từ khi bước vào năm học, các em học sinh đã được cha mẹ nhấn mạnh tầm quan trọng của những kỳ thi, những phần thưởng nếu đạt được thành tích, những hậu quả nặng nề nếu kết quả không như ý, rồi sự đầu tư thời gian tiền bạc cho những kỳ vọng mà gia đình đặt ra cho các em. Thông điệp này cũng có thể được gửi đến các e từ nhiều phía, trong đó có cả những lo lắng của các em về việc thành tích của mình có thể ảnh hưởng đến giáo viên, lớp, nhà trường. Điều đó đã làm cho các em áp lực, lo lắng, sợ hãi sự phán xét của người lớn, tự kỳ vọng vào bản thân, đặc biệt có những thất bại nhỏ đầu tiên đã mất tự tin động cơ học tập, chán trường, trách bản thân và xa lánh mọi người.
Những hành vi ứng xử có thể nhận thấy từ hậu quả của việc các em căng thẳng đó là cáu gắt, giận dữ, mất tính kiên trì, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi. Về nhận thức thì trí nhớ ngắn hạn của các em giảm sút, học trước quên sau, não bộ bị ức chế dẫn tới việc không biết ra quyết định để giải quyết vấn đề. Xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực như "Thời điểm này mà cứ muốn nghỉ ngơi thì sẽ chẳng làm gì được", "ngủ 6h/1 ngày thì sẽ trượt", “tất cả mọi người sẽ coi thường mình nếu kết quả không như kỳ vọng”; “nếu ngay cả kỳ thi này cũng chẳng thể vượt qua thì mình là kẻ vô dụng”…. Những suy nghĩ đó tạo thành vòng luẩn quẩn lo lắng - giận dữ - mất tập trung - kết quả kém.
Thực tế, bản thân kỳ thi vốn không quá căng thẳng. Một chút áp lực là điều tốt để tạo động lực cho các em thức dậy sớm ôn bài. Nhưng nếu học sinh không có kỹ năng quản lý tốt, thiếu kỷ luật sẽ ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc và năng lực nhận thức.
Vậy làm thế nào để các em học sinh luôn có những kỳ thi nhẹ nhàng nhưng vẫn đạt kết quả như ý. Điều quan trọng đầu tiên đó là thông điệp của bố mẹ về việc học hành, bền vững nhất vẫn luôn là các con có tinh thần chuẩn bị, có kiến thức chắc từ việc học hàng ngày. Trước kỳ thi, hãy hướng dẫn con viết ra kế hoạch mỗi ngày, hình thành và thích ứng với lịch trình ôn thi. Việc thực hiện theo thói quen, lịch trình, kế hoạch có sẵn sẽ giảm lo âu và các cảm giác bất an của con. Hãy giúp con hình dung lại những thời điểm nào mình học ôn tốt nhất, những chiến lược, hình thức ôn tập nào có hiệu quả, cách sơ đồ hóa kiến thức nào giúp con khắc sâu và tái hiện kiến thức tốt hơn, những bài học từ thành công trong những bài kiểm tra thử là gì để con tự tin và tiếp tục áp dụng.
Người lớn hãy luôn chia sẻ suy nghĩ của mình trước để trẻ cảm thấy được đồng cảm và tin tưởng. Trò chuyện nhẹ nhàng với con về sự lựa chọn cảm xúc cho cả phương án có kết quả như ý và không như ý.
“Thay đổi các tác nhân bối cảnh gây stress như tránh tiếp xúc với những thông tin hoặc sự việc làm mình khó chịu trong thời gian này, đừng đọc quá nhiều tin về tỉ lệ chọi hay bố mẹ học sinh đang lo lắng như thế nào. Hãy tử tế với bản thân bằng cách dành thời gian cho những sở thích cá nhân, hoàn thành một việc mà mình giỏi nhất, trò chuyện trong tưởng tượng với thần tượng xem người đó giải quyết vấn đề như thế nào. Chú ý thời gian ngủ, uống đủ nước và ăn cân bằng. Xây dựng một số mục tiêu và bẻ nhỏ ra từng bước để tự giám sát bản thân về tiến độ. Cuối cùng là đừng ngại việc được trợ giúp. Giai đoạn này, ‘mỉm cười là công cụ, nhờ vả là con đường’ là phương châm hành động của các em”, PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
Ngoài sự cố gắng của bản thân thì sự ủng hộ, khích lệ, động viên của thầy cô, gia đình và bạn bè cũng thật sự quan trọng. Thầy cô không nên xem thành tích học tập là quan trọng nhất, bố mẹ nên quên đi điểm số của con mình là thứ tồn tại duy nhất, có như vậy học sinh mới có nền tảng tự nhiên nhất để phấn đấu và cố gắng trong học tập.
Gia đình nên duy trì bầu không khí bình thường, không nên có những cuộc cãi vã căng thẳng về vấn đề học tập của con. Hãy tạo cho con một môi trường thoải mái và dễ chịu. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường trong hành vi, lời nói, các bố mẹ cần phải đưa ngay con mình đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp.
Thành tích là minh chứng của một quá trình học tập, nhưng đó không phải là tất cả, thậm chí nếu thành tích được gây dựng từ những viên gạch vụn vỡ trong tâm hồn những đứa trẻ thì hoàn toàn không nên bởi nó mang theo quá nhiều hệ lụy ảnh hưởng kéo theo sau này.
Nguyễn Sơn