ĐỂ TRỞ THÀNH BẠN THÂN THIẾT CỦA CON: HÃY LỚN LÊ CÙNG CON
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn được làm bạn với con, đồng hành với con trên hành trình tuổi thơ tươi đẹp. Nhưng từ mong muốn đến thực hiện là cả một khoảng cách không dễ vượt qua
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội):
Đừng bỏ mặc con!
Ở lứa tuổi vị thành niên, sự biến đổi về tâm sinh lý khiến các em rất dễ bị tổn thương do sự nhạy cảm quá mức. Chưa kể, ở giai đoạn này, nhận thức về các vấn đề xã hội của các em đã trở nên sâu sắc hơn nên thích tranh cãi, phản kháng. Khi phát hiện những khiếm khuyết của cha mẹ, những điều cha mẹ nói và làm không thống nhất, các em dễ trở nên thất vọng, chán chường và tìm đến những cách giải quyết tiêu cực.
Đây còn là lứa tuổi rất coi trọng thể diện của mình với bạn bè, thậm chí có thể ngang với tính mạng. Điều này lý giải vì sao học sinh được mọi người gắn nhãn học giỏi, nhận được kỳ vọng cao sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn những học sinh khác khi gặp thất bại trong học tập.
Một số em khác lại có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề, xem một lỗi nhỏ như một tai họa lớn. Chẳng hạn, chỉ vì bị một điểm 5 môn toán mà cho rằng mình không có khả năng học toán; chỉ vì một câu mắng của bố mẹ mà kết luận bố mẹ chẳng yêu thương gì mình hoặc luôn tự ám thị mình sẽ không có khả năng chịu đựng như không thể chịu nổi việc bị bạn bè chê cười... Tất cả những thời điểm như vậy rất dễ xảy ra những hành vi dại dột.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giới trẻ ngày càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, thế giới ảo... nên không có kỹ năng xã hội, không có bạn bè trong cuộc sống thực, khi bế tắc đã không thể huy động các nguồn trợ giúp. Bên cạnh đó, nhiều em chịu bạo lực, bắt nạt trên mạng hay bị tiêm nhiễm các ý tưởng thù địch, tự hại bản thân và tự sát từ các trang web hướng dẫn tự sát.
Nếu cha mẹ quan tâm con hơn thì có thể sớm nhận ra một số dấu hiệu trầm cảm như thay đổi cách thức sinh hoạt hằng ngày; trốn tránh bạn bè, gia đình, bỏ những thói quen thường nhật; có hành động cục cằn, thô lỗ; thay đổi cá tính; không tập trung được việc gì... Sự bỏ mặc, không quan tâm của cha mẹ góp phần gây ra chấn thương tâm lý với các em.
Biết năng lực của con để không đòi hỏi quá cao
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn được làm bạn với con, đồng hành với con trên hành trình tuổi thơ tươi đẹp. Nhưng từ mong muốn đến thực hiện là cả một khoảng cách không dễ vượt qua. Làm nghề dạy học, tôi cảm nhận được những áp lực vô hình kia và muốn chia sẻ một vài giải pháp để giảm tải áp lực học tập lên con trẻ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị áp lực học tập là trẻ luôn cảm thấy buồn bực vô cớ mỗi khi ngồi vào bàn học; không thể tập trung vào việc học; luôn thích ở một mình; hay tự nói chuyện một mình; không kiểm soát được cảm xúc và hành động của bản thân...
Để nắm được các dấu hiệu cơ bản, cha mẹ phải gần gũi, quan tâm con mình một cách sát sao, sống với đời sống của con để cảm nhận. Điểm số dù quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Hãy biết năng lực của con ở đâu để không đặt cho con mục tiêu quá cao so với năng lực. Việc biết được khả năng thực tế sẽ giúp tăng sự tự tin, tinh thần được thả lỏng và là cách giảm stress cho con hiệu quả.
Nhiều bậc phụ huynh cho con tham gia rất nhiều lớp học văn hóa và kỹ năng, thời gian học đã chiếm gần hết tuổi thơ của con. Do đó, cần xây dựng một thời gian biểu để cân bằng giữa việc học và sinh hoạt, vui chơi, từ đó tạo được cảm hứng sáng tạo cho con. Có nhiều cách giúp con xả stress như chơi môn thể thao mà con yêu thích, cho nghe nhạc, xem phim, tập hít thở sâu hoặc thực hành tưởng tượng để giảm căng thẳng. Để con được sống, được vui chơi và trò chuyện với bạn bè, từ đó tăng thêm khả năng giao tiếp.
Thực tế hiện nay có một bộ phận học sinh được cha mẹ trang bị điện thoại, máy tính bảng, ở phòng riêng mà thiếu kiểm soát nên hết giờ học các em lại chơi game online, tham gia mạng xã hội. Kèm theo đó là chuyện ăn uống qua loa khiến các em ốm yếu, suy kiệt.
Một chuyện rất phổ biến khác là đối xử công bằng và ngừng so sánh con với các bạn của chúng. Nên nhớ vì ước mơ riêng, con chỉ muốn là chính mình, không muốn trở thành phiên bản của ai khác.
Cha mẹ cần phải học
Dịch Covid-19 khiến đời sống sinh hoạt của các gia đình Việt Nam ít nhiều thay đổi. Con trẻ ở nhà nhiều hơn thật sự là áp lực lớn đối với phụ huynh. Nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội để chơi cùng con và hiểu con hơn, qua đó gạt bỏ những áp lực. Cho con những gì tốt nhất theo cách của mình nhưng đừng làm con hư bằng sự nuông chiều thái quá hay nghiêm khắc một cách nặng nề.
Ai cũng từng là trẻ con nhưng để hiểu vị trí của con trẻ ở mỗi giai đoạn có sự khác biệt về tâm sinh lý, nhu cầu, sở thích và mong muốn thì cha mẹ cần phải học, bởi cha mẹ nào cũng cần phải tiếp tục "trưởng thành theo sự lớn lên của con cái".
Nguồn: https://nld.com.vn/ban-doc/lam-sao-de-tro-thanh-ban-dong-hanh-than-thiet-cua-con-hay-lon-len-cung-con-20220408214315217.htm