GIẢM CĂNG THẲNG NGHỀ NGHIỆP CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái
                                                                                    GIẢM CĂNG THẲNG NGHỀ NGHIỆP
                                                           CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

Đối với nhân viên y tế nói chung có nhiều yếu tố ở nơi làm việc là nguyên nhân của stress. Nhưng với cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần nói riêng thì bên cạnh yếu tố nguyên nhân, thì stress còn là vấn đề phơi nhiễm nghề nghiệp do tiếp xúc thường xuyên với người bệnh có các vấn đề căng thẳng về tinh thần và những bệnh nhân không có năng lực kiểm soát năng lực hành vi
Stress được Hans Selye định nghĩa theo thuật ngữ chung là một hội chứng bao gồm những đáp ứng không đặc hiệu của cơ thể với kích thích từ môi trường. Stress nghề nghiệp được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa yêu cầu và khả năng lao động.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ tâm thần có nguy cơ bị stress cao hơn nhiều  lần so với các ngành nghề khác. Theo tác giả Nguyễn Thu Hà khảo sát trên 811 nhân viên y tế tại Cần Thơ, Châu Thành - Hậu Giang (2016) đã cho thấy tỷ lệ stress ở nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần là tương đối cao (66,7%).
Điều trị bệnh nhân tâm thần khác với điều trị các bệnh nhân thông thường bởi đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm rất lớn do có những bệnh nhân đến điều trị mà luôn có hành vi chống đối hay nguy hiểm hơn là những bệnh nhân không kiểm soát được năng lực hành vi, sẵn sàng hành hung các y, bác sĩ. Bên cạnh nắm chắc chuyên môn, các y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện còn phải biết liệu pháp tâm lý để có thể xử trí tốt mọi tình huống. Đặc biệt người thầy thuốc điều trị bệnh nhân tâm thần phải luôn gần gũi, tìm hiểu, lắng nghe để giúp người bệnh có cuộc sống lạc quan, tích cực hơn.
Ảnh hưởng của stress nghề nghiệp đến sức khoẻ là mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, không thoả mãn với công  việc, giảm chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân, nghiện rượu, số ngày nghỉ ốm cao, về hưu sớm, và mắc một số bệnh liên quan đến stress như loét dạ dày, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp... vv.
Theo nghiên cứu mới của Viện Black Dog Institute (Australia), căng thẳng công việc gắn với rủi ro tăng cao đối với các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang trở nên phổ biến như chứng trầm cảm và lo âu.  Đội nghiên cứu quốc tế này đã phân tích dữ liệu về sức khỏe của 6.870 người lao động tham gia. Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu chi tiết trong hơn 50 năm qua để kiểm tra các phương thức khác nhau mà từ đó các điều kiện làm việc đặc thù có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của người lao động. Kết quả nghiên cứu như một hồi chuông cảnh tỉnh về vai trò của những sáng kiến tại nơi làm việc cần phải có trong các nỗ lực của chúng ta nhằm hạn chế chi phí ngày càng tăng do các chứng rối loạn tâm thần. Nghiên cứu này cũng cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về việc các yếu tố có thể cải thiện tình trạng hưng phấn của người lao động bằng cách có các hoạt động tinh thần tại nơi làm việc sẽ tạo tâm lý thoải mái và phòng ngừa và hạn chế stress hơn cho người lao động.
Để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế, phòng ngừa stress có hiệu quả - cách tốt nhất là cần có các biện pháp dự phòng, kiểm soát stress nghề nghiệp. Với tầm quan trọng của lĩnh vực này, tháng ATVSLĐ 2023 đã lấy chủ đề là “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.
Trong thời gian qua, Cấp Ủy, Ban giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Yên Bái đã đã có nhiều biện pháp cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động. Các chế độ chính sách về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động được thực hiện đầy đủ; chú trọng đến công tác bảo hộ lao động cho nhân viên y tế; khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Thực hiện đúng các quy định về sử dụng các phương tiện, thiết bị và xây dựng quy trình vận hành các phương tiện thiết bị về chẩn đoán và điều trị; thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế về dự phòng và điều trị phơi nhiễm...
Các chế độ chính sách về công tác an toàn vệ sinh lao động đã được triển khai thực hiện. Khi đại dịch Covid xảy ra, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch ứng phó với từng cấp độ dịch bệnh; trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế; rà soát nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch…
Bên cạnh tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường cũng được đơn vị từng bước đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, tạo sự thoải mái cho người lao động từ trong phòng làm việc đến không gian bên ngoài. Với đặc thù về công việc, nên việc quan tâm Chăm sóc đời sống vật chất tinh thần, khuyến khích động viên và tạo sự an tâm công tác cho CBVC bằng cách thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách, phúc lợi, được đi du lịch, tham quan, học hỏi cũng là vấn đề mà chính quyền và Công đoàn cơ sở bệnh viện phối hợp thực hiện tốt trong thời gian vừa qua đã góp phần cải thiện, nâng cao sức khỏe cho người lao động.
Thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp chính là giảm thiểu những rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ sức khỏe cho nhân viên y tế, tăng năng suất lao động và tăng chất lượng chăm sóc người bệnh.

                                                                                                                                                             Nguyễn Sơn
GIẢM CĂNG THẲNG NGHỀ NGHIỆP CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦNGIẢM CĂNG THẲNG NGHỀ NGHIỆP CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦNGIẢM CĂNG THẲNG NGHỀ NGHIỆP CHO CÁN BỘ LÀM CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN

 

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài