HÀNH TRÌNH Ý NGHĨA CỦA NHỮNG NGƯỜI ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC SỨC KHOẺ TÂM THẦN

"Chào mừng ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5"

Bước vào bên trong, bạn sẽ phát hiện rằng Bệnh viện Tâm thần không chỉ là nơi của những bệnh tật khó khăn, mà còn là nơi của sự hy vọng và sự thấu hiểu. Và giữa những tấm ánh sáng này, có những người điều dưỡng - những người mang trên vai mình nhiệm vụ cao cả của việc chăm sóc, hỗ trợ và hướng dẫn người bệnh trên con đường phục hồi, luôn song hành với Bác sĩ trên mọi chặng đường chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Ở một môi trường đặc thù như Bệnh viện Tâm thần, công việc của điều dưỡng không chỉ đòi hỏi kiến thức vững về y học, mà còn đòi hỏi một trái tim rộng lượng và đầy nhân ái. Để có thể luôn ở bên cạnh những người bệnh, dành thời gian để lắng nghe, để thấu hiểu, và để đồng cảm. Trong mỗi câu chuyện, mỗi nỗi lo âu và mỗi niềm vui của bệnh nhân, họ tìm thấy ý nghĩa và động lực cho cuộc sống của mình.

Một trong những thách thức lớn nhất mà người điều dưỡng phải đối mặt hàng ngày là tình trạng không ổn định về cảm xúc và hành vi của bệnh nhân. Bệnh nhân tâm thần thường trải qua các biến động cảm xúc mạnh mẽ, từ sự hoang mang và lo lắng đến cực kỳ phấn khích và hồi hộp. Có những trường hợp, bệnh nhân có thể có nguy cơ tự tổn thương hoặc gây hại cho bản thân và người khác. Và cán bộ y tế là những người đầu tiên có thể phải chịu ảnh hưởng từ những cơn kích động ấy. Vì vậy không chỉ là người chăm sóc sức khỏe mà điều dưỡng còn là người bảo vệ, đảm bảo môi trường xung quanh luôn an toàn và ổn định. Đối mặt với những tình huống này, điều dưỡng phải có khả năng ổn định cảm xúc và tinh thần của mình, giữ cho mình tỉnh táo và nhạy bén để đưa ra phản ứng thích hợp hỗ trợ bệnh nhân.

Có vô vàn những câu chuyện đáng nhớ của người điều dưỡng như việc bệnh nhân nhổ nước bọt vào mặt, dùng tay cào cấu, chửi bới cán bộ cán bộ y tế ngay sau khi vừa được tiêm truyền chăm sóc cho đến những câu chuyện bệnh nhân trầm cảm khi hồi phục cầm tay, ôm chầm lấy bác sĩ như tìm lại cuộc sống lần thứ 2. Hoặc có những lúc nhìn thấy một bệnh nhân từng đối mặt với tự tử như một giải pháp cuối cùng, nhưng sau đó tìm lại niềm tin và ý chí sống, đây lại là niềm vinh dự và động viên lớn lao nhất cho điều dưỡng. Đó là những câu chuyện thường ngày và cũng chính là những minh họa sống động về sức mạnh từ lòng nhân ái và sự hy sinh của người điều dưỡng.

Khi xã hội phát triển mặt bệnh ngày càng phong phú hơn, tại bệnh viện giờ đây bên cạnh những bệnh nhân rối loạn tâm thần thì một nửa còn lại là những bệnh nhân có các bệnh lý về cảm xúc như lo âu, trầm cảm, những bệnh lý về mạch máu não như đau đầu, mất ngủ…Sự đa dạng về bệnh tật ấy càng đòi hỏi ở điều dưỡng kiến thức và kỹ năng cao hơn. Có thể nói trong mọi lĩnh vực đều thấy bóng dáng người điều dưỡng, từ việc chăm sóc người bệnh bằng hỏi han, tiêm truyền, giữ gìn môi trường sạch đẹp cho đến việc thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng như điện não, lưu huyết, điện cơ, kích thích từ xuyên sọ... Cũng chính môi trường và sự phát triển xã hội đã rèn rũa cho những người điều dưỡng sự nhạy bén và khả năng linh động ở nhiều lĩnh vực

Tại bệnh viện tâm thần, những người điều dưỡng không chỉ là những nhân viên y tế thông thường, không chỉ là “làm dâu trăm họ” như câu ví về nghề, mà họ còn là những người mang nhiều vai từ cán bộ y tế cho đến người thân, người nhà,người bạn đồng hành thậm chí cả là những người tâm giao trong một liệu pháp điều trị khi bệnh nhân cần. Vẫn âm thầm chăm sóc và đồng hành cùng người bệnh, đội ngũ điều dưỡng đã coi mỗi ngày là một hành trình ý nghĩa với những bài học mới, trong từng tình huống khó khăn, luôn có những khoảnh khắc đầy hy vọng và niềm vui. Cảm giác thấy mình đang làm điều có ý nghĩa giá trị, mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của người khác, là động lực mạnh mẽ nhất đối với đội ngũ điều dưỡng nơi đây, đúng như phương châm của bệnh viện “Thầy thuốc tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc”.





























Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài