Một số khuyến nghị phòng chống sang chấn tâm lý trong dịch COVID-19.
(Theo Quyết định số 2057/QĐ-BYT ngày 14/5/2020 của Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19”).
1. Đối với người dân.
1.1. Không kỳ thị và hãy đồng cảm với những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cả người dân trong nước cũng như người dân của bất kỳ quốc gia nào. Những người bị nhiễm bệnh không làm gì sai. Không gọi những người bị nhiễm bệnh là “nạn nhân”, “những gia đình COVID-19”. Họ là “những người mắc COVID-19”, “những người đang được điều trị bệnh COVID-19”, “những người mắc COVID-19 đang hồi phục” và sau khi hồi phục, cuộc sống của họ sẽ tiếp tục, với công việc, gia đình và người thân.
1.2. Tránh xem, đọc hoặc nghe những tin tức khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc đau buồn; hãy chỉ tìm kiếm thông tin để có hành động thiết thực cho bạn và bảo vệ chính mình và người thân. Tìm kiếm thông tin cập nhật vào những thời điểm cụ thể trong ngày một hoặc hai lần. Ai cũng cảm thấy lo lắng với những luồng thông tin bất ngờ và gần như liên tục về dịch bệnh. Hãy tìm kiếm thông tin tin cậy và chính xác như từ Bộ Y tế (https://ncov.moh.gov.vn/), Tổ chức Y tế thế giới…, để giúp bạn phân biệt sự thật với tin đồn.
1.3. Hãy tự bảo vệ mình và hỗ trợ người khác. Hỗ trợ người khác khi họ cần giúp đỡ, có thể mang lại lợi ích cho cả người giúp và người nhận trợ giúp.
1.4. Tìm cơ hội để lan tỏa những câu chuyện và hình ảnh tích cực của những người địa phương từng trải nghiệm mắc COVID-19 và đã phục hồi hoặc những người từng hỗ trợ người thân trong quá trình phục hồi và sẵn sàng chia sẻ trải nghiệm của họ.
1.5. Tôn vinh những người chăm sóc và các nhân viên y tế đang hỗ trợ cho những người mắc COVID-19 trong cộng đồng của bạn. Hãy ghi nhận vai trò của họ trong việc cứu chữa, phòng lây nhiễm và giữ cho người thân của bạn được an toàn.
2. Đối với nhân viên y tế.
2.1. Nhân viên y tế, bạn và nhiều đồng nghiệp có thể phải trải qua cảm giác căng thẳng; thực ra việc cảm thấy như vậy là điều khá bình thường trong tình huống dịch bệnh hiện tại. Sự căng thẳng và những cảm xúc liên quan đến nó hoàn toàn không phản ánh rằng bạn không thể làm công việc của mình hoặc là bạn yếu đuối. Kiểm soát căng thẳng và tâm trạng của bạn trong thời gian này cũng quan trọng như quản lý sức khỏe thể chất của bạn.
2.2. Hãy quan tâm tới các nhu cầu cơ bản của mình và sử dụng những cách ứng phó hữu ích - đảm bảo nghỉ ngơi lấy lại sức sau khi làm việc hoặc giữa các ca trực, ăn uống đầy đủ và sử dụng thực phẩm một cách lành mạnh, tham gia hoạt động thể chất và giữ liên lạc với gia đình và bạn bè. Tránh sử dụng những cách ứng phó không có ích như thuốc lá, rượu hoặc các loại thuốc kích thích khác. Về lâu dài những thứ đó có thể khiến cho tinh thần và thể chất của bạn xấu đi. Dịch Covid-19 là tình trạng rất khác thường và chưa từng gặp đối với nhiều nhân viên y tế, đặc biệt nếu họ chưa từng tham gia những lần ứng phó tương tự. Dù vậy, sử dụng những cách mà bạn đã 5 từng dùng trước đây để kiểm soát căng thẳng có thể giúp ích cho bạn lúc này. Các giải pháp giúp giảm căng thẳng là như nhau, kể cả khi nguyên nhân gây căng thẳng khác nhau.
2.3. Một số nhân viên y tế có thể không may phải chịu sự xa lánh của gia đình hoặc cộng đồng do kỳ thị hoặc sợ bị lây bệnh. Điều đó có thể khiến cho tình hình vốn đã khó khăn trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hãy cố gắng duy trì kết nối với người thân của bạn, bao gồm sử dụng các phương tiện kỹ thuật số. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, cán bộ quản lý của bạn hoặc những người đáng tin cậy khác - đồng nghiệp của bạn có thể đang có những trải nghiệm tương tự như bạn.
2.4. Sử dụng những cách dễ hiểu để chia sẻ thông điệp với những người bị khuyết tật về trí tuệ, nhận thức và tâm lý xã hội. Hãy sử dụng nhiều hình thức giao tiếp khác nhau.
3. Người chăm sóc trẻ em
3.1. Giúp trẻ tìm ra cách tích cực để thể hiện những cảm xúc gây xáo trộn như sợ hãi và buồn bã. Mỗi trẻ em có cách riêng để thể hiện cảm xúc. Đôi khi tham gia vào một hoạt động sáng tạo, chẳng hạn như chơi và vẽ có thể tạo thuận lợi cho quá trình này. Trẻ em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm nếu trẻ có thể thể hiện và truyền đạt cảm xúc lo lắng của chúng trong một môi trường an toàn và hỗ trợ.
3.2. Để trẻ được ở gần cha mẹ và gia đình, nếu thấy an toàn cho trẻ, và tránh việc tách trẻ khỏi người chăm sóc nếu có thể. Nếu phải cách ly một trẻ em khỏi người chăm sóc chính, hãy bảo đảm có sự chăm sóc thay thế phù hợp, nhân viên công tác xã hội, hoặc ai đó tương tự, sẽ phải thường xuyên theo dõi trẻ. Hơn nữa, phải đảm bảo trong thời 6 gian cách ly, việc liên lạc thường xuyên với cha mẹ và người chăm sóc được duy trì, chẳng hạn như gọi điện thoại hoặc cuộc gọi có video theo lịch hai lần mỗi ngày hoặc các hình thức giao tiếp khác phù hợp với lứa tuổi (ví dụ: phương tiện truyền thông xã hội, tùy theo độ tuổi của trẻ).
3.3. Duy trì nếp sinh hoạt quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày càng nhiều càng tốt, đặc biệt là nếu trẻ em bị giữ ở nhà. Cung cấp những hoạt động hấp dẫn phù hợp với lứa tuổi cho trẻ. Khuyến khích trẻ tiếp tục chơi và giao tiếp với người khác, càng nhiều càng tốt, kể cả chỉ giao tiếp trong nội bộ gia đình khi được khuyến cáo hạn chế tiếp xúc xã hội.
3.4. Những lúc căng thẳng và khủng hoảng, thông thường trẻ em hay tìm kiếm 3sự gắn bó và đòi hỏi nhiều hơn ở cha mẹ. Hãy nói chuyện với con bạn về dịch COVID-19 bằng những thông tin trung thực và phù hợp với lứa tuổi. Nếu con bạn có những băn khoăn, việc cùng nhau giải quyết những băn khoăn đó có thể giúp trẻ bớt lo lắng. Trẻ em sẽ quan sát hành vi và cảm xúc của người lớn để tìm kiếm gợi ý cho cách kiểm soát cảm xúc của chính mình trong những thời điểm khó khăn.
4. Người chăm sóc người cao tuổi.
4.1. Người cao tuổi, nhất là người bị cô lập và những người bị suy giảm nhận thức, mất trí nhớ, có thể trở nên lo lắng, tức giận, căng thẳng, kích động và thu mình lại nhiều hơn khi có dịch hoặc khi bị cách ly. Hãy cung cấp sự hỗ trợ thiết thực (cả vật chất và tinh thần) thông qua những mạng lưới không chính thức (gia đình) và các nhân viên y tế.
4.2. Nói với họ một cách đơn giản về những gì đang diễn ra và cung cấp thông tin rõ ràng về cách làm giảm nguy cơ lây nhiễm bằng từ ngữ mà người già có hoặc không suy giảm nhận thức có thể hiểu được. Nhắc lại thông tin bất cứ khi nào cần thiết. Các hướng dẫn cho người già cần được truyền đạt một cách rõ ràng, súc tích, tôn trọng và kiên nhẫn, và cũng có thể hữu ích khi thông tin được hiển thị bằng văn bản hoặc hình ảnh. Thu hút gia đình của họ và các mạng lưới hỗ trợ khác tham gia cung cấp thông tin và giúp họ thực hành các biện pháp phòng ngừa (ví dụ như rửa tay…)
4.3. Khuyến khích những người cao tuổi có chuyên môn, kinh nghiệm và sức khỏe tình nguyện tham gia các hoạt động cộng đồng ứng phó với dịch COVID-19 (ví dụ, người già đã nghỉ hưu còn khỏe mạnh có thể cung cấp hỗ trợ, kiểm tra hàng xóm và trông con cho những nhân viên y tế phải ở lại trong những bệnh viện tham gia cuộc chiến chống COVID-19.)
5. Người bị cách ly
5.1. Giữ liên lạc và duy trì các mạng lưới xã hội của bạn. Ngay cả trong những tình huống bị cách ly cũng hãy cố gắng hết mức có thể để duy trì thói quen hàng ngày của bạn. Nếu các cơ quan y tế đã khuyến nghị hạn chế tiếp xúc xã hội để ngăn chặn dịch bệnh, bạn có thể duy trì kết nối qua điện thoại, e-mail, mạng xã hội và tham gia họp trực tuyến.
5.2. Những lúc căng thẳng, hãy chú ý đến nhu cầu và cảm xúc của chính bạn. Tham gia những hoạt động lành mạnh mà bạn thích và thấy thư giãn. Tập thể dục thường xuyên, giữ thói quen ngủ đều đặn và sử dụng thực phẩm một cách lành mạnh. Nhìn nhận mọi việc trong bức tranh tổng thể. Các cơ quan y tế công cộng và chuyên gia y tế ở tất cả các quốc gia đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch này để đảm bảo có được sự chăm sóc tốt nhất cho những người bị ảnh hưởng.
5.3. Ai cũng cảm thấy lo lắng hoặc đau buồn khi đối mặt với luồng tin tức gần như liên tục về vụ dịch . Hãy tìm kiếm thông tin cập nhật và hướng dẫn thiết thực từ các chuyên gia y tế và các nguồn tin cậy như Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới vào những thời điểm cụ thể trong ngày và tránh nghe hoặc theo dõi những tin đồn khiến bạn cảm thấy lo lắng.
6. Một số khuyến nghị cho người bệnh tâm thần.
Để giúp phòng dịch COVID-19 có hiệu quả, ngoài các biện pháp được Bộ tế khuyến cáo về phòng dịch, người bệnh tâm thần cần thực hiện tốt các việc sau:
6.1. Phải chuẩn bị chi tiết mọi thứ cần thiết phòng trường hợp bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly, đặc biệt phải chuẩn bị thuốc điều trị bệnh lý tâm thần của mình cho từ 01-03 tháng điều trị theo quy định.
6.2. Không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc điều trị các bệnh tâm thần mạn tính. Nếu lịch tái khám định kỳ bị hoãn do dịch bệnh, nên tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn và phải bảo đảm duy trì phác đồ điều trị hiện tại cho tới lần khám dự kiến tiếp theo. Hợp tác với nhân viên y tế (cung cấp đầy đủ thông tin) về diễn biến bệnh và điều trị khi tư vấn từ xa để có được những điều chỉnh phù hợp với thực tế.
6.3. Học các bài tập thể chất đơn giản hàng ngày có thể thực hiện tại nhà hoặc nơi cách ly để duy trì khả năng vận động và giảm sự nhàm chán.
6.4. Giữ thói quen và lịch trình thường làm hàng ngày càng nhiều càng tốt hoặc tạo ra thói quen mới trong một môi trường mới, bao gồm tập thể dục thường xuyên, vệ sinh sạch sẽ, hoạt động/làm việc hàng ngày, các hoạt động giải trí hoặc các hoạt động khác. Giữ liên lạc thường xuyên với người thân (ví dụ: qua điện thoại, e-mail, phương tiện truyền thông xã hội hoặc các cuộc gọi video).
6.5. Hãy chắc chắn có đầy đủ địa chỉ, số điện thoại liên lạc khi cần (của bệnh viện, hiệu thuốc, của bác sĩ, người thân, cửa hàng thực phẩm,..).
6.6. Cung cấp đầy đủ thông tin về phác đồ điều trị bệnh tâm thần hiện tại khi nhiễm COVID-19 hoặc các bệnh lý khác để tránh các tương tác thuốc bất lợi và để hiệu chỉnh liều hợp lý các thuốc tâm thần khi phải dùng các thuốc điều trị COVID-19 hoặc các bệnh khác.
6.7. Tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn về dự phòng lây nhiễm COVID-19 tại địa phương và các cơ sở y tế để phòng lây nhiễm cho bản thân, cho người xung quanh và cho nhân viên y tế./.