MỘT SỐ THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ BỆNH ALZHEIMER

MỘT SỐ THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ BỆNH ALZHEIMER

                                           

 

MỘT SỐ THÔNG TIN CẬP NHẬT VỀ BỆNH ALZHEIMER

Alzheimer là một loại bệnh, chứ không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa. Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển, gây mất trí nhớ dần dần với các chỉ điểm sinh bệnh học chính của bệnh là mảng amyloid beta, đám rối sợi thần kinh, protein tau, và viêm thần kinh đệm phản ứng; quá trình từ các đơn phân tử amyloid beta hình thành mảng amyloid gây tổn thương các vùng, nhân xám trung ương não bộ có thể mất tới hàng chục năm.

Bệnh được bác sĩ tâm thần kinh Alois Alzheimer người Đức mô tả lần đầu tiên năm 1906, với đặc điểm lú lẫn, kém nhớ. Đây là một trong những bệnh phổ biến nhất của người cao tuổi (thường xuất hiện ở người trên 65 tuổi, nhưng hãn hữu cũng có xuất hiện sớm ở độ tuổi 30; thường được chẩn đoán sau tuổi 60 và nguy cơ bị bệnh tăng theo tuổi tác;khoảng 40% dân số ở độ tuổi 90 có thể bị ảnh hưởng bệnh); bệnh cũng là bệnh phổ biến nhất ( 50 - 80 %) trong nhóm bệnh gây sa sút tâm thần. Bệnhdiễn tiến rất chậm và thường bị chủ quan bỏ qua do ý nghĩ là quá trình lão hóa tự nhiên của tuổi già, nên thường được chẩn đoán khá muộn, khi đã có những tổn thương thần kinh thì không thể hồi phục dù điều trị tích cực. Mức độ ảnh hưởng tùy theo mức độ bệnh, từ ảnh hưởng chất lượng công việc đếnsinh hoạt cá nhân, cuộc sống gia đình, gánh nặng kinh tế, thậm chí gây tử vong (tỷ lệ tử vong 68% chỉ trong 10 năm, tỷ lệ tử vong tương đương với bệnh tim và ung thư; số ca tử vongliên quan tới bệnh Alzheimer chiếm 1/3 tử vong ở độ tuổi 75 trở lên; đây là nguyên nhân gây tử vong thứ 7 ở Hoa Kỳ). Theo thống kê, năm 2006 có 26,6 triệu người mắc bệnh Alzheimer trên toàn thế giới (Châu á chiếm khoảng 50%) và dự đoán tỉ lệ mắc Alzheimer trên thế giới năm 2050 khoảng 1,2% (khoảng 100 triệu người); Chi phí cho điều trị Alzheimer cũng khá cao, khoảng 604 tỷ UDS/năm, tương đương 1% GDP toàn cầu; theo số liệu của Hội Alzheimer Hoa Kỳ, hằng năm nước này chi trực tiếp điều trị hơn 200 tỷ đô la và gần 15 triệu người Mỹ chăm sóc miễn phí cho người mắc bệnh Alzheimer hoặc bệnh sa sút trí tuệ khác (Dữ Kiện & Con Số Năm 2011 của Hiệp Hội Alzheimer).

Những năm gần đây, theo xu thế chung, khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao thì tỷ lệ bệnh Alzheimer cũng sẽ tăng. Tại tỉnh Yên Bái, sơ bộ khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ bệnh cũng tăng đáng kể theo năm. Do đó, việc phát hiện, chẩn đoán bệnh càng sớm thì càng giúp ích nhiều cho người bệnh, gia đình và xã hội. Hiện nay, các phương pháp hình ảnh tiên tiến cũng bắt đầu được sử dụng giúp chẩn đoán Alzheimer sớm, trước khi có dấu hiệu bệnh lý lâm sàng (như MRI cấu trúc, MRI chức năng và PET), tuy nhiên vẫn chưa thông dụng, nhất là ở khu vực miền núi phía bắc do giá thành cao, là phương pháp xâm nhập cơ thể, không sử dụng được nhiều lần, chỉ có ở một số cơ sở y tế lớn; việc sớm xét nghiệm máu định lượng homoncysteine cũng được nhà khoa học Thủy Điển khuyến cáo, tuy nhiên vẫn chưa được áp dụng trên lâm sàng. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ điểm là vô cùng quan trọng để điều trị và dự phòng tiến triển cho tất cả các các giai đoạn của bệnh. Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia, từ 60 tuổi (có thể sớm hơn) chúng ta cần khám chuyên khoa để nhận biết những dấu hiệu của rối loạn trí nhớ như suy giảm nhận thức nhẹ, đặc biệt khi có các biểu hiện kèm theo như khó hoàn tất công việc hàng ngày vì “quên vặt hay lúc nhớ lúc không”, hoặc có những thay đổi khí sắc và cảm xúc,…

* Một số dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh Alzheimer dựa trên khuyến cáo đã được một số chuyên gia tổng hợpđưa ra, giúp người bệnh và gia đình nhận biết. Nếu thấy những dấu hiệu dưới đây, nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán chính xác bệnh, tư vấn, điều trị kịp thời, đừng để quá trễ khi không còn cách cứu chữa.

1.Suy giảm trí nhớ và mất khả năng học hỏi. thường xuyên nhầm lẫn: Quên tên người đã quen biết từ trước hoặc quên một công việc nào đó đã sắp xếp để làm nhưng vào một lúc nào đó nhớ lại được (rằng mình đã quên). Một trong các dấu hiệu chung nhất là quên những điều mới được nhắc tới. Quên thời điểm, sự kiện hàng ngày, do đó hỏi đi hỏi lại người thân, hay phải nhờ đến sổ ghi nhắc nhở.

Mất ngủ, người đờ đẫn, không tập trung vào bất cứ thứ gì. Thường xuyên mất đồ, đặc biệt là chìa khóa và tiền bạc. Để đồ vật không đúng chỗ như mọi ngày, mất khả năng quay lại tìm đúng chỗ cũ, đôi lúc nói “ai lấy mất rồi!”. Phần ký ức trong quá khứ bị mất đi, đặc biệt có thể quên mất người thân trong gia đình. Thường đi lang thang, gặp ảo giác, không định hướng được đường, dễ bị lạc.

2. Khó tập trung, mất khả năng giải thích và hiểu các vấn đề.

Không ra được kế hoạch hay không thực hiện được một công việc nào đó: có lúc làm sai hoặc không làm được, phải cần đến sổ ghi nhắc nhở. Ví dụ: giảm khả năng ra dự định, kế hoạch hoặc tiếp tục theo đuổi công việc, có thể quên món ăn quen thuộc hay các khoản thanh toán hàng tháng. Có thể khó tập trung lâu để làm một việc nào đó mà trước kia đã làm bình thường suôn sẻ.

Không hoàn tất công việc nhà, việc nào đó hay cả khi giải trí rảnh rỗi: từng lúc cần người trẻ giúp sử dụng vật dụng trong nhà như khởi động lò vi - ba hay nhớ giờ kênh truyền hình sẽ đón xem. Đôi khi không biết đến những nơi trước kia thân thuộc, không biết tiền còn nhiều hay ít, quên cả nguyên tắc trò chơi thích thú.

3. Lẫn lộn không gian, thời gian: Hay quên, không nhớ được những chuyện đơn giản, chẳng hạn như lầm lẫn thời điểm trong ngày, ngày trong tuần nhưng biết sau đó đoán ra được. Không theo dõi dấu vết thời gian, mùa và khoảng thời gian, có thể hiểu sai điều gì nếu không xảy ra tức thì. Đôi khi quên nơi đang ở và đến đây bằng cách nào.

Mắt nhìn kém đi vì đục thủy tinh thể, đọc chữ kém, không biết khoảng cách xa gần, khó xác định màu sắc. Có thể không biết tấm gương trước mặt và nghĩ có người trong đó.

4. Rối loạn ngôn ngữ, lời nói hoặc chữ viết: Mất khả năng nói và viết, gặp khó khăn trong việc tìm từ ngữ, khó khăn tìm đúng từ để nói hay viết, không ráp nối được các ý nghĩ khi nói chuyện, ngưng giữa chừng, hết ý nghĩ để tiếp tục câu chuyện dở dang và do đó tự lặp lại. Có cố gắng tìm từ, chữ để nói hoặc viết nhưng khó tìm đúng từ muốn nói.

5. Chậm phán quyết công việc hoặc tương tác xã hội:

Khả năng nhìn nhận phán xét giảm. Xử lý, giải quyết hay làm sai việc gì đó trong một khoảng thời gian, ví dụ nhìn nhận sai về tiền bạc của mình, cho không đúng đối tượng. Ít chú ý đến ăn mặc, giữ quần áo không sạch.

Rút lui khỏi công việc và sinh hoạt xã hội. Đôi khi cảm thấy mệt mỏi, chán với công việc, với người thân và với những trao đổi bên ngoài. Người bệnh có thể bắt đầu tự tránh xa các hứng thú trước đó, các hoạt động quan hệ bên ngoài, không liên lạc bạn bè đồng đội, láng giềng hay không biết kết thúc một cách hứng thú.

6. Thay đổi tâm trạng hoặc tính cách: Tâm tính thay đổi thất thường, buồn vui, giận dỗi, rất dễ cáu gắt cũng có thể gặp trầm cảm và dần xa lánh mọi người. Cư xử hàng ngày theo cách của mình, trở nên cáu kỉnh khi sinh hoạt thường lệ bị thay đổi hay gián đoạn. Người bệnh có thể trở nên lẫn lộn, nghi ngờ, phiền muộn, lo âu hay quá sợ sệt. Có thể làm đảo lộn bất hòa trong gia đình, với bạn bè hay nơi lẽ ra thoải mái.

* Một số khuyến cáo giúp phòng ngừa bệnh Alzheimer là:

- Thực hành về lối sống: kích thích thần kinh (trò chơi trí não), tập thể dục (như đi bộ, bơi lội, yoga), các hoạt động xã hội, và chế độ ăn uống khỏe mạnh (trái cây, rau củ, và thực phẩm có nhiều chất chống oxy hóa).

- Loại bỏ thói quen sử dụng đồ công nghệ, nghiện rượu, bia, thuốc lá, chất kích thích làm ảnh hưởng lớn đến chức năng não bộ, tăng nguy cơ mắc các bệnh thoái hóa thần kinh.

- Duy trì giấc ngủ ngon vào ban đêm, tránh gián đoạn giấc ngủ (giảm sự tích tụ một loại Protein trong não, có liên quan đến bệnh Alzheimer).

- Duy trì huyết áp khỏe mạnh, tránh hoặc kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, giảm cholesterol, và không hút thuốc để phòng ngừa đột quỵ tránh làm cho các triệu chứng của Alzheimer xấu hơn.

- Vấn đề di truyền của Alzheimer rất phức tạp, và kiến thức về điều này đang thay đổi nhanh chóng. Ngoại trừ một tỷ lệ nhỏ các gia đình có một gen duy nhất gây bệnh, việc thành viên gia đình bị Alzheimer chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở mức vừa phải./.

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài