SẼ MỞ RỘNG QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI CÓ THẺ BẢO HIỂM Y TẾ
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 sẽ giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế về còn 35%, đồng thời từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh nội dung trên tại lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, sáng 1/7.
Năm 2009 là năm đầu tiên triển khai Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam, toàn quốc khi đó có trên 50 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ bao phủ đạt 58,2% dân số. Đến tháng 12/2023, toàn quốc có trên 93 triệu người tham gia, tỷ lệ bao phủ là 93,35%.
Bộ trưởng Y tế cho biết Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là 95% dân số, đến năm 2030 đạt trên 95% dân số tham gia BHYT.
Bộ Y tế đánh giá việc tham gia BHYT góp phần giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe. Thực tế, người Việt đang phải tự trả hơn 40% chi phí khám chữa bệnh. Cơ quan này đánh giá tỷ lệ này "vẫn tương đối cao" trong báo cáo tổng kết Luật Bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, theo khuyến cáo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là mục tiêu Việt Nam đặt ra vào năm 2030.
Cũng theo Bộ Y tế, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình. Bộ trưởng Y tế cho biết tới đây sẽ tập trung nghiên cứu từng bước mở rộng phạm vi quyền lợi cho người tham gia BHYT đặc biệt là các quyền lợi để giúp ngăn ngừa, điều trị bệnh từ sớm, từ xa để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, tính toán đề xuất mức đóng phù hợp để bảo đảm khả năng cân đối của quỹ BHYT.
Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ chi tiền túi ở mức tương đối cao theo Bộ Y tế là giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ. Đặc biệt quan trọng là chất lượng dịch vụ y tế tại tuyến y tế cơ sở vẫn còn hạn chế, nên người bệnh bỏ qua tuyến xã, huyện vượt lên tuyến trên và tiếp tục chịu chi phí cao hơn.
Vì thế, Bộ Y tế đặt ra giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở; tạo điều kiện cho các bệnh viện tư nhân tham gia chăm sóc, khám chữa bệnh bằng BHYT...
Hiện mức đóng BHYT được tính bằng 4,5% mức lương cơ sở (từ 1/7/2024 là hơn 105.000 đồng/tháng), tham gia theo hình thức hộ gia đình, mức đóng sẽ giảm; một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng. Người tham gia BHYT có mức hưởng khác nhau: 80- 95 và 100% trong phạm vi được hưởng.
Bộ trưởng Y tế cho biết danh mục thuốc BHYT của Việt Nam tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng BHYT. Thực tế, danh mục thuốc được BHYT thanh toán trong 13 năm qua chỉ được điều chỉnh 4 lần vào các năm 2012, 2014, 2018 và 2022. Trung bình phải 3-4 năm, danh mục thuốc mới được bổ sung một lần.