SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ NHỎ: CHUYỆN KHÔNG HỀ NHỎ...

SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ NHỎ: CHUYỆN KHÔNG HỀ NHỎ...

Sức khỏe tâm thần dù đã được đề cập trong nhiều năm trở lại đây, nhưng sự quan tâm vẫn chưa thực sự đúng mức, nhất là đối với trẻ em.

Trong những tháng gần đây, đường dây 111 của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em “nóng” khi tăng tới 10.000-20.000 cuộc gọi so với thông thường cần hỗ trợ tâm lý, can thiệp, thông tin vấn đề liên quan đến trẻ em.

Làm thế nào để nhận biết và tìm ra giải pháp hỗ trợ sức khỏe tâm lý cho trẻ?

Ngay cả cha mẹ, người thân những người gần gũi với trẻ nhất cũng chưa biết cách giải quyết vấn đề nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường

Chị Nguyễn Thị Huyền ở Mỹ Đình, Hà Nội có 2 con nhỏ đều ở nhà học online suốt mấy tháng qua. Công việc bận rộn, vợ chồng chị cũng ít dành thời gian chơi và dạy con học.

Tới khi thấy con có biểu hiện tâm lý bất thường như: ôm máy tính đến quên ăn quên ngủ, ảnh hưởng tới học tập, nếu bị nhắc nhở thì nổi cáu, phản kháng, thậm chí thường xuyên tranh cãi, đánh nhau tím mặt chỉ vì mâu thuẫn nhỏ:

"Bảo tắt máy đi nó bảo con không tắt, bảo đi ngủ thì bảo con không ngủ. Thu tận cùng thì quay ra đập cửa, vùng vằng thái độ, nhịn ăn luôn. Mình cố tình mình thu dẫn đến hành động rất tiêu cực. Giờ nó cho rằng tất cả những đứa con khác ngoan nghe lời đều sợ bố mẹ bỏ mặc. Còn nó bảo kể cả không ăn cũng được, chết cũng không sợ nên nó chả sợ gì hết".

Cũng mang mối lo tương tự, chị Nguyễn Phương Liên ở Hai Bà Trưng thấy khó kiểm soát việc học tập của 3 con nhỏ trên các phần mềm, dẫn đến nghiện game, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần:

"Dịch bệnh gia đình tôi có ba cháu học online ở nhà. Đôi khi cháu lớn chơi điện tử, xem trang web không lành mạnh".

Theo số liệu từ Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cung cấp đầu tháng 9 vừa qua, cả nước ghi nhận hơn 11.800 trẻ em nhiễm COVID-19. Tại TP HCM, dịch xâm nhập vào 7 trong số 39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em ngoài công lập. Còn tại Hà Nội, 5% ca nhiễm trong tháng 7 là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Hàng triệu trẻ em phải thay đổi lối sống khi trường học tạm đóng cửa.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho rằng, sức khỏe tâm thần của trẻ bị bào mòn vì đại dịch, trong khi các em không có kỹ năng chấp nhận trải nghiệm khó khăn, thiếu kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả do vậy dễ chịu tổn thương tâm lý:

"Xã hội càng phát triển con người càng có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần nhiều hơn. Ở trong giai đoạn bất ổn, ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống không đảm bảo, thì càng có xu hướng buông xuôi, tuyệt vọng, trầm trọng tiêu cực hơn. Giai đoạn này có đầy đủ đặc điểm như vậy làm cho áp lực lên mỗi cá nhân tăng cao có thể là một trong yếu tố xuất hiện suy nghĩ tiêu cực. Những bạn ở lứa tuổi học đường không có kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả".

Trong khi các dịch vụ sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội mới được cung ứng thông qua các trung tâm bảo trợ và công tác xã hội, các bệnh viện tâm thần và các phòng tham vấn tâm lý học đường, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn giới hạn và thường tập trung vào những rối loạn tâm thần nặng.

Ngay cả cha mẹ, người thân những người gần gũi với trẻ nhất cũng chưa biết cách giải quyết vấn đề nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường.

Việc nhận biết tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần sẽ giúp cha mẹ, những người chăm sóc bình tĩnh quan sát biểu hiện bất thường để tháo gỡ nút thắt cảm xúc

Thống kê cho thấy, trong vòng 1 năm ( từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021) số cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em (111) đã vượt mốc 500.000 cuộc tham vấn về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý. Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững nhận định:

"Ảnh hưởng liên quan tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em rất là rõ, đặc biệt là các em trong những khu phong tỏa, cách ly thì có thể thấy trong thời gian dài. Ở trong nhà thì tâm lý các em có thể bị bức bối, buồn rầu, trầm cảm…v.v. Chúng ta phải giải quyết, không chỉ trước mắt mà còn là lâu dài vì đây là hệ lụy mà nhiều năm tới chúng ta cần phải quan tâm, chứ không phải chỉ ngay lúc này đâu".

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, biên soạn và phát hành tài liệu, sản phẩm truyền thông, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Đồng thời, phối hợp với các tình nguyện viên, chuyên gia tư vấn tâm lý sẵn sàng kết nối, tư vấn tâm lý cho người chăm sóc trẻ và trẻ em nhằm phát hiện sớm sang chấn tâm lý, dạy các em tự bảo vệ trước mối nguy hại:

"Chúng tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, chăm sóc sức khỏe, tâm thần phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, bổ sung thông qua các bài giảng trực tuyến; Chúng ta cần phải triển khai ngay nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động COVID-19 đến quyền trẻ em làm cơ sở xây dựng các chính sách, các quy hoạch đặc thù, thực hiện các giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em".

Cùng sự vào cuộc của các bên, việc nhận biết tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần sẽ giúp cha mẹ, những người chăm sóc bình tĩnh quan sát biểu hiện bất thường để tháo gỡ nút thắt cảm xúc bởi nếu không điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Trẻ em bị rối loạn tâm thần còn phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục

Dịch bệnh kéo dài gây tổn thất về kinh tế, biến cố về sức khỏe và hao tổn tinh thần cho tất cả chúng ta. Nhóm người yếu thế trong đó có trẻ em càng dễ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần. Để ngăn chặn sớm hậu quả khó lường, vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ nhỏ cần được quan tâm hơn nữa của cả cộng đồng.

Theo WHO, sức khỏe tâm thần được xem là một bộ phận không thể tách rời trong định nghĩa về sức khỏe. Nhưng khi phổ biến tại Việt Nam những năm gần đây, vẫn còn đó hiểu lầm về khái niệm này. Sức khỏe tâm thần không chỉ là không bị mắc rối loạn tâm thần, mà còn bao hàm trạng thái thoải mái, sự tự tin tính tự chủ, năng lực và khả năng nhận biết những tiềm năng của bản thân.

Thực tế, nếu dịch bệnh không xuất hiện, nếu câu chuyện về bất ổn tâm lý của cả người lớn tưởng vững vàng không được kể, có lẽ sức khỏe tâm thần vẫn chưa trở thành mối bận tâm của cộng đồng như hiện nay.

Trong khi theo một khảo sát dịch tễ gần đây, trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Phổ biến nhất là các vấn đề hướng nội như: lo âu, trầm cảm, cô đơn làm gia tăng lo ngại về tỷ lệ tự tử trong lứa tuổi thanh thiếu niên.

Những tổn thương tâm lý của trẻ vốn xuất phát từ nhiều nguy cơ nay lại thêm tác động của đại dịch. Hàng nghìn trẻ em mồ côi, thiếu tình thương của cha mẹ trong hoàn cảnh này. COVID-19 không chỉ đảo lộn cuộc sống, đặt ra thách thức với cả phụ huynh và trẻ bằng hình thức học mới, giải trí kiểu mới; chính tâm lý bất ổn của cha mẹ trong đại dịch ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con.

Với tác động thấy rõ của đại dịch, giới chuyên gia đã lo lắng về dư chấn có nguy cơ sẽ hủy hoại hạnh phúc và điều kiện sống của trẻ em, trẻ vị thành niên và những người chăm sóc trong nhiều năm tới. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra khi còn nhỏ sẽ làm tốn nhiều chi phí ở tuổi trưởng thành.

Trẻ em bị rối loạn tâm thần còn phải đối mặt với những thách thức lớn do bị kỳ thị, cô lập và phân biệt đối xử, ít có khả năng được tiếp cận với các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.

Khi nhìn nhận các yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe tâm thần của trẻ ở các cấp độ: cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội, thì các yếu tố này cũng chính là chìa khóa để tháo gỡ vấn đề. Dù chữa lành vết thương tâm lý, nhất là cho đối tượng trẻ nhỏ không phải việc có thể làm trong ngày một ngày hai.

Do nhu cầu về dịch vụ hỗ trợ và điều trị ở trẻ em và thanh niên là rất lớn và chưa thể đáp ứng ngay được, việc huy động các tổ chức phi chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân hiện có thông qua việc chuyển tuyến và hướng dẫn rõ ràng về tiêu chuẩn hành nghề sẽ là một bước đi ngắn hạn quan trọng.

Việc phối hợp liên ngành không thể được thực hiện nếu không có khung chính sách, phân bổ ngân sách hợp lý.

Việc hỗ trợ và đào tạo cho các bậc phụ huynh về các kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc và giao tiếp, thường xuyên theo dõi nhằm hướng tới thay đổi chuẩn mực hành vi, sẽ đem lại những lợi ích không nhỏ. Và điều tốt nhất cha mẹ, người chăm sóc có thể xoa dịu tâm lý trẻ chính là tình yêu thương và sự quan tâm.

Trẻ em ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là các nhóm tuổi nhỏ hơn, chất chứa niềm lạc quan và những khát vọng cho tương lai. Nếu kịp thời giúp đỡ chỉ đường cho các em đi qua một khúc quanh không để rơi xuống vực sâu, các em có thể phục hồi kỳ diệu.

Nguồn: https://vovgiaothong.vn/suc-khoe-tam-than-tre-nho-chuyen...

SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ NHỎ: CHUYỆN KHÔNG HỀ NHỎ...

Để lại bình luận của bạn

Hãy là người đầu tiên
bình luận trong bài