TÁC HẠI CỦA MA TÚY ĐỐI VỚI SỨC KHỎE TÂM THẦN
Hưởng ứng tháng hành động phòng chống ma túy năm 2022 (tháng 6/2022) Bệnh viện tâm thần tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả hướng đến chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy - Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”
Có thể nói Ma túy để lại tác hại rất lớn đối với người sử dụng và hệ lụy tiêu cực với gia đình và xã hội. Với người sử dụng, ma túy gây tổn hại đến toàn bộ cơ thể như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, làm suy nhược toàn thân, suy giảm chức năng lao động. Trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị tử vong đột ngột. Một trong những tác hại nặng nề của việc sử dụng ma túy là ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần như: hội chứng quên, hội chứng loạn thần kinh sớm (ảo giác, hoang tưởng, kích động...) và hội chứng loạn thần kinh muộn (các rối loạn về nhận thức, cảm xúc, về tâm tính, các biến đổi về nhân cách đặc trưng cho người nghiện ma tuý). Ở trạng thái loạn thần kinh sớm, người nghiện ma tuý có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân và người xung quanh.
Để nâng cao nhận thức cho cán bộ cũng như người dân về tác hại của ma túy và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe tâm thần, Bệnh viện đã có văn bản chỉ đạo thực hiện các hoạt động phòng chống tác hại của ma túy từ đầu năm 2022 đồng thời có văn bản chỉ đạo tăng cường các hoạt động trước khi tháng cao điểm phòng chống tác hại của ma túy diễn ra. Một trong nhữngnhiệm vụ được bệnh viện chú trọng đó là công tác truyền thông trong bệnh viện, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho các cán bộ đảng viên, viên chức và người lao động trong đơn vị, người bệnh và người dân các chủ trương, chính sách mới trong công tác phòng chống ma túy, các hoạt động được tổ chức lồng ghép tại các buổi giao ban, hội họp nội bộ.Tăng cường truyền thông cho người bệnh và người nhà bằng nhiều hình thức phong phú dễ tiếp cận như tổ chức các buổi nói chuyện lồng ghép trị liệu tâm lý và tư vấn sức khỏe cho người bệnh liên quan đến ma túy đang điều trị tại bệnh viện; Tăng cường chất lượng điều trị người bệnh rối loạn tâm thần do ma túy, như thực hiện quy chế quản lý thuốc kiểm soát đặc biệt, bổ sung quy trình cấp phát thuốc được kiểm tra giám sát chặt chẽ; Tư vấn dự phòng tái nghiện cho người bệnh, người nhà người bệnh khi ra viện và tích cực vận động người nghiện các chất dạng thuốc phiện tự nguyện tham gia các chương trình điều trị Methadone; Thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy, phối hợp trong công tác lập hồ sơ và điều trị rối loạn tâm thần do ma túy đúng trình tự, thẩm quyền quy định.
Tại bệnh viện tâm thần tỉnh bệnh nhân có rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy vào điều trị thường ở giai đoạn nặng. Bệnh nhân sử dụng ma túy có xu hướng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 20-30 tuổi. Bác sĩ Phạm Thị Minh Văn, trưởng khoa rối loạn tâm thần Bệnh viện tâm thần tỉnh cho biết Bệnh nhân rối loạn tâm thần do ma túy vào viện điều trị chủ yếu là sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy tổng hợp dạng kích thích (Amphetamine - Type Stimulants). Loại ma túy này thường được gọi với tên "lóng" là ma túy đá, thuốc lắc, viên nữ hoàng, yaba…Lúc đầu người ta sử dụng amphetamine với mục đích tăng sự tỉnh táo, chống mệt mỏi… nhưng sau đó nhanh chóng trở thành lạm dụng và bị nghiện.
Bệnh nhân nhập viện thường có các trạng thái như: tăng hoạt động hoặc rối loạn hành vi (do bị ảo giác chi phối) dẫn đến việc kích động quấy phá ngoài xã hội, có những bệnh nhân bị cưỡng chế đưa vào viện. Một số bệnh nhân có “hội chứng cai”do ngưng hay giảm sử dụng amphetamin, với các trạng thái mệt mỏi, có những giấc mơ đáng sợ, mất ngủ hay ngủ nhiều, tăng cảm giác ngon miệng, kích thích hoặc ức chế tâm thần vận động. Triệu chứng nặng nề nhất là trầm cảm, có thể có ý tưởng và hành vi tự sát.
Theo bác sỹ Phạm Thị Minh Văn nghiện ma túy tổng hợp rất khó chữa và loại ma túy này làm cho não bộ bị tổn thương nặng nề. Những tổn thương này còn tồn tại rất lâu sau khi người nghiện ngừng sử dụng ma túy.Bác sĩ cũng khuyến cáo những bệnh nhân có tiền sử sử dụng ma túy khi bắt đầu có các dấu hiệu bất thường về tính tình, ứng xử, giao tiếp hàng ngày, cần đưa bệnh nhân vào viện để được thăm khám điều trị kịp thời tránh những hành vi đáng tiếc xảy ra, đặc biệt để diễn biến bệnh nặng mới đi điều trị sẽ rất vất vả cho các gia đình và các y bác sĩ. Đặc biệt với các bạn trẻ là học sinh, thanh thiếu niên các bậc phụ huynh cần chú ý đến việc sinh hoạt hằng ngày của con em. Khi thấy những biểu hiện bất thường, nên phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn hành vi sử dụng các chất ma túy của con em; đồng thời đưa con em đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh để xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.Đối với các em trong độ tuổi vị thành niên rất cần sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục từ gia đình và nhà trường, trang bị cho các em những kiến thức về ma túy để tự bảo vệ mình. Mỗi người cần tự nhận thức không thử sử dụng may túy, dù chỉ một lần.
Với những hoạt động hiệu quả hưởng ứng tháng phòng chống tác hại của ma túy và sự nỗ lực cố gắng trong công tác khám chữa bệnh điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, tin tưởng rằng thời gian tới bệnh viện sẽ duy trì bền vững các hoạt động phòng chống ma túykhông chỉ ở tháng cao điểm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tư vấn dự phòng tái sử dụng chất cho người bệnh, góp phần nhận thức của cả cộng đồng trong phòng chống tác hại của ma túy “Vì một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn”./.