TRẦM CẢM ẨN, BỆNH CỦA THỜI ĐẠI 4.0
Trầm cảm ẩn là một bệnh lý khó phát hiện do không có nhiều triệu chứng điển hình, người mắc trầm cảm ẩn thường không dám, không muốn thừa nhận, đối diện với bệnh tình của mình, vì vậy còn gọi là trầm cảm che giấu, đây là một trong các dạng bệnh lâm sàng của chứng rối loạn trầm cảm.
Hiện nay, hầu hết những thể bệnh rối loạn trầm cảm đều chưa thể xác định được chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh. Tuy nhiên, đối với trầm cảm ẩn, các chuyên gia cũng đưa ra được một số yếu tố cho thể làm cho các triệu chứng bệnh khởi phát đó là: các vấn đề nội sinh xuất phát từ những rối loạn của các chất dẫn truyền bên trong não bộ; Các bệnh thực thể ở não bộ như u não viêm não, chấn thương sọ não,…; Theo các nhà chuyên môn, những người từng trải qua các chấn thương về tâm lý như phá sản, ly hôn, mất mát người thân, thất nghiệp, bị lạm dụng tình dục…sẽ có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn so với bình thường; Lạm dụng chất gây nghiện cũng là một trong những nguyên nhân gây ra rất nhiều triệu chứng tiêu cực như buồn chán, nhức đầu, mệt mỏi, tuyệt vọng. Đặc biệt với lối sống nhanh, đa dạng các mối quan tâm và nhiều áp lực như hiện nay thì trầm cảm ẩn có thể là căn bệnh thời đại không chừa một ai.
Cùng với đó trầm cảm ẩn cũng nhiều khả năng khởi phát bởi một số yếu tố nguy cơ như: Phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh; Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh; Những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực, căn thẳng hoặc làm việc với cường độ cao trong khoảng thời gian kéo dài; Những trẻ từng bị tổn thương về tâm lý hoặc thường xuyên thay đổi môi trường sống.
Mặc dù khó phát hiện nhưng một số biểu hiện sau đây có thể cho thấy bạn đã mắc trầm cảm ẩn:
- Luôn giữ vẻ mặt "hạnh phúc" trước mặt mọi người, thậm chí là luôn hưng phấn, vui vẻ, hoạt bát. Tuy nhiên, sâu bên trong luôn giằng xé nội tâm.
- Chế độ sinh hoạt thay đổi thất thường như đột nhiên ăn ngủ mất kiểm soát, có thể là mất ngủ kéo dài, hoặc ngược lại luôn trong trạng thái buồn ngủ; Một số trường hợp người bệnh cố gắng ăn thật nhiều, tăng cân mất kiểm soát để che giấu nỗi sợ hãi, lo lắng của bản thân, đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất ở người mắc trầm cảm ẩn.
- Luôn suy nghĩ tiêu cực, bi quan, chán nản nhưng lại thể hiện mình là người sống tích cực, cố tỏ ra vui vẻ, ngược lại khi ở một mình họ có xu hướng bạo lực, thậm chí là tự làm hại bản thân.
- Cố chấp không thừa nhận rằng mình đang mắc bệnh trầm cảm ẩn, cho rằng chỉ là do thay đổi tâm lý hoặc do áp lực cuộc sống, công việc và bệnh sẽ tự khỏi.
- Mệt mỏi, giảm năng lượng: Thực tế những người mắc trầm cảm ẩn đều cảm thấy cơ thể mệt mỏi, chân tay không có năng lượng nhưng lại cố tỏ ra đầy năng lượng, nhiệt huyết. Điều này càng làm cho người mắc suy nhược nghiêm trọng.
- Có sự thay đổi cảm xúc và khả năng chịu đựng của bản thân, dễ xúc động, dễ khóc cũng là một dấu hiệu của trầm cảm ẩn
Cùng với đó, người bệnh trầm cảm ẩn có thể xuất hiện các biểu hiện không liên quan đến yếu tố tâm lý như: đau mỏi xương khớp, tim đập nhanh, đánh trống ngực, tiêu hóa kém,... khiến bản thân người bệnh cũng bị nhầm lẫn và càng tự cho rằng mình không mắc bệnh, gây khó khăn trong quá trình điều trị. Tình trạng này sẽ kéo dài và xuất hiện liên tục tối thiểu 2 tuần. Nếu người bệnh không thể kịp thời phát hiện và có biện pháp can thiệp tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bệnh, nhiều nguy cơ gia tăng khả năng tự sát ở người bệnh.
Một trong những biện pháp điều trị trầm cảm ẩn hiệu quả và an toàn đó là trị liệu tâm lý. Sau quá trình điều trị bệnh, bệnh nhân sẽ dần phục hồi được sức khỏe một cách tự nhiên, đồng thời hạn chế được tình trạng tái phát về sau. Các chuyên gia cũng cho biết rằng, phương pháp điều trị này có thể áp dụng được cho hầu hết các đối tượng bệnh trầm cảm, ví dụ như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già cao tuổi
Song song với đó liệu pháp hóa dược cần được sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm ẩn. Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng bệnh xuất phát từ các vấn đề trong tâm trí của bệnh nhân, do đó loại thuốc phù hợp nhất vẫn là thuốc chống trầm cảm. Tuy nhiên, hầu hết những loại thuốc chống trầm cảm này đều có khả năng gây ra tác dụng phụ. Vì thế, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định dùng thuốc của chuyên gia, tuyệt đối không được tự ý tăng hoặc giảm liều dùng. Đặc biệt là người bệnh không được tự ý ngưng sử dụng thuốc đột ngột sẽ gây nên rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, một biện pháp điều trị lý tưởng là điều trị song song kết hợp trị liệu tâm lý và hóa dược tại bệnh viện chuyên khoa, trong quá trình này bệnh nhân sẽ được các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý theo dõi sát sao, trao đổi chuyên môn để có thể đưa ra phác đồ và liệu trình điều trị phù hợp nhất với tình trạng bệnh cũng như diễn tiến hàng ngày của bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh mỗi năm có gần 200 bệnh nhân điều trị nội trú được chẩn đoán trầm cảm và rối loạn hỗn hợp lo âu trầm cảm. Có rất nhiều bệnh nhân vào viên với các biểu hiện về thể chất như rối loạn giấc ngủ, đau đầu, suy nhược cơ thể, hoặc nhiều nơi chẩn đoán bệnh nhân rối loạn lo âu, nhưng sau khi thu thập thông tin, cùng với thực hiện các liệu pháp tâm lý, đã phát hiện ra bệnh nhân mắc các triệu chứng trầm cảm ẩn. Với những bệnh nhân này, bên cạnh điều trị hóa dược bệnh nhân sẽ được trị liệu tâm lý, đa số bệnh nhân đều đáp ứng điều trị tốt và hồi phục nhanh khi được chẩn đoán đúng bệnh và có sự phối hợp giữa bác sĩ và cán bộ tâm lý trong quá trị điều trị bệnh.
BSCKI. Đỗ Thị Cẩm Linh