VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG Y TẾ TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ


Thời đại công nghệ hiện cần những chuyên gia y tế lan tỏa tri thức y khoa đích thực và chống lại những thông tin sai lệch, góp phần nâng cao nhận thức, sức khỏe cộng đồng.

Thông tin trên được Thạc sĩ Đỗ Thị Nam Phương - Trưởng Trung tâm Truyền thông Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết tại Tọa đàm "Phương thức mới trong truyền thông y tế", ngày 6/7.

Theo thạc sĩ Phương, xã hội số giúp những người ham hiểu biết, nâng cao chất lượng cuộc sống, tiếp cận thông tin nhanh hơn nhưng cũng nhiều khó khăn hơn trong việc chọn lọc thông tin đúng, đáng tin cậy và dễ hiểu.

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sự ảnh hưởng bởi thông tin thiếu khoa học, sai lệch, thậm chí các tin đồn và thông tin độc hại với dụng ý xấu, vụ lợi, ngày càng nhiều và đe dọa sức khỏe cộng đồng nguy hiểm không thua gì dịch bệnh truyền thống.

Trong trường hợp người dùng đã là người bệnh hoặc người nhà người bệnh, đặc biệt là với những bệnh lý phức tạp, mới, cảm thấy thiếu kiến thức và hiểu biết về bệnh tình của mình, họ càng lo lắng và không biết nên tìm kiếm thông tin ở đâu. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và xác định chuyên gia y tế đáng tin cậy để tư vấn và hỗ trợ cũng không dễ dàng, phải thăm khám nhiều bác sĩ hoặc chuyên gia để xác thực thông tin càng tốn kém và khó khăn hơn nữa.

Bối cảnh đó đang thách thức sứ mệnh của ngành y, không chỉ cứu chữa bệnh tật ngay trong bệnh viện, mà còn phải góp phần lan tỏa những tri thức và giá trị y khoa đích thực đến cộng đồng một sâu rộng hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, Chủ nhiệm, Giảng viên Cấp cao Chương trình Quan hệ công chúng, Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết nhiều người không muốn chia sẻ thông tin sức khỏe của bản thân với gia đình, bạn bè nhưng có thói quen tìm hiểu và nghe theo thông tin trên mạng.

Do đó, truyền thông sức khỏe đóng một vai trò quan trọng với y tế cộng đồng trong xã hội hiện nay.

Truyền thông không chỉ mục đích cá nhân hay thương mại, mà còn giúp cho việc đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thay đổi ý thức và thói quen sức khỏe, hạn chế việc truyền bá thông tin sai lệch. Truyền thông không chỉ được hiểu đơn thuần là quảng cáo dịch vụ mà là mang đến sự hiểu biết lẫn nhau.

Truyền thông công chúng cần cập nhật công việc thường ngày của bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân, nhân viên hỗ trợ... để khai thác thông tin khô khan thành các câu chuyện y tế đăng tải một cách kịp thời, chính xác. Truyền thông nội bộ cần thiết để cập nhật quy trình, tiêu chuẩn nghiệp vụ, các câu chuyện bên lề nhằm tăng chất lượng khám chữa bệnh, mang lại niềm vui trong công việc. Truyền thông cũng sẽ sẵn sàng đương đầu xử lý các khủng hoảng xảy ra.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhà báo Vũ Mạnh Cường phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Trung ương, Bộ Y tế cho biết theo thống kê, người Việt Nam dành trung bình 2 giờ 33 phút/ngày cho mạng xã hội. Do đó, các nền tảng này là nơi rất thuận lợi để làm truyền thông y tế.

"Không chỉ cộng đồng được nghe kiến thức đúng về chăm sóc sức khỏe mà còn mang lại uy tín cho nơi làm việc cũng như danh tiếng cho chính người thầy thuốc", ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông nhìn nhận thực tế hiện nay nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đang làm tốt việc truyền thông, song thực hiện khá riêng rẽ. Ngoài các lý do cá nhân, một số bác sĩ không muốn nhận sự hậu thuẫn của bệnh viện hoặc nhiều bệnh viện còn ngăn cản việc nhân viên y tế xuất hiện trên không gian mạng bởi lo sợ những ảnh hưởng tiêu cực.

Ông Cường cho rằng mỗi cá nhân, từ các thầy thuốc đến lãnh đạo nơi công tác đều cần nhận thức, thấu hiểu, tạo ra mạng lưới về các KOLs y tế để chủ động tạo ra thông tin chính xác nhằm giáo dục sức khỏe cũng như tham gia giải quyết khủng hoảng truyền thông.

Để làm được điều này, Thạc sĩ Huỳnh Bảo Tuân, Giảng viên Trường Quản trị - Học viện Công nghệ Châu Á tại Việt Nam cho biết không chỉ chuyên gia y tế tự ý thức mà lãnh đạo các cơ sở cũng cần xem truyền thông như những công việc mang tính chất chính thức của người có chuyên môn trong bệnh viện. Nên xem truyền thông như một phần công việc, nhằm "uốn nắn" những dòng thông tin để không bị sai lệch khi chuyển tải đến người dân.

Ban giám đốc các cơ sở y tế công lập, tư nhân cần ghi vào mô tả công việc khi tuyển dụng rằng truyền thông là công việc chính thức, để thực hiện thật chuyên nghiệp. "Lãnh đạo cần có cái nhìn thoáng hơn, không nên nghĩ rằng đào tạo người giỏi xong họ sẽ rời bỏ mình mà cần hiểu nhân viên y tế làm việc tại đâu cũng chung mục đích phụng sự xã hội", ông Tuân nhấn mạnh.

Ngoài ra, với những thách thức và cơ hội mới, ngành y tế cần khám phá và áp dụng các phương thức truyền thông hiện đại như truyền thông số, cá thể hóa thông tin và sử dụng Gen AI trong việc tạo nội dung y tế. Do đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và Đại học RMIT Việt Nam đã phối hợp tổ chức chuỗi hội thảo "Chuyên gia y tế và vai trò tạo ảnh hưởng trong xã hội số" trong 10 buổi, diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9, nhằm trang bị cho các thầy thuốc những kỹ năng cần thiết để trở thành Key Medical Opinion Leaders (KMOLs) - Các nhà lãnh đạo quan điểm y tế quan trọng.

Nguồn: https://vnexpress.net/vai-tro-cua-truyen-thong-y-te-trong-thoi-dai-cong-nghe